Cựu chiến binh Phạm Văn Tiền: Kể chuyện đánh giặc cùng anh hùng Hồ Văn Mên

22/12/2023    Lượt xem: 994    In bài viết   Độ tương phản  

Dù ở tuổi 70 nhưng CCB Phạm Văn Tiền vẫn còn nhớ như in những kỉ niệm thời thơ ấu và nhất là trận đánh sòng bài Phú Văn, gần chợ Phú Văn. Trong trận đánh đó đã có gần 60 tên giặc bị tiêu diệt bởi hai quả lựu đạn của Hồ Văn Mên và của ông ném trực tiếp vào đám sĩ quan, binh lính Mỹ, Ngụy đang tham gia ở sòng bài này. Cựu binh Phạm Văn Tiền cho biết dù là dân An Linh, Phú Giáo; nhưng quê nội ông ở An Thạnh, huyện Thuận An (huyện Lái Thiêu). Nhưng cha ông là một là cộng sản nòi. Theo Việt Minh từ những năm 45. Còn mẹ ông là dân gốc Hưng Yên cũng là một người hoạt động. Hai ông bà tình cờ gặp nhau và mến nhau nên duyên vợ chồng. Sau khi ông chào đời chưa đầy năm thì mẹ ông qua đời sau một cơn bạo bệnh do sốt rét rừng. Sau khi mẹ ông qua đời, ba ông một mình nuôi ông. Cho đến năm ông lên gần 3 tuổi, do hoạt động cách mạng nên không thể cho sóc cho ông được. Nên cha ông đành đem ông về cho ông bà nội ông ở An Thạnh, nuôi dưỡng. Còn cha ông tiếp tục hoạt động cách mạng. Cũng tại nơi đây, cậu bé Phạm Văn Tiền đã cùng lớn lên và cũng những năm tháng tuổi thơ “dữ dội” với Hồ Văn Mên.

Mang trong mình dòng máu “cộng sản”, Phạm Văn Tiền và Hồ Văn Mên sớm có lòng yêu nước, căm thù giặc. Năm lên 6, lên 7 tuổi Phạm Văn Tiền cùng Hồ Văn Mên đã tham gia làm công tác giao liên; nhưng thực chất là nghe ngóng tình hình của giặc để báo về cho tổ chức. Năm lên 10 ông cùng Hồ Văn Mên được kết nạp vào đội viên du kích “nhí”. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành hơn trong tư tưởng và nhận thức của Phạm Văn Tiền, cùng người bạn thân Hồ Văn Mên. Đồng thời đánh dấu những thành tích đánh Mỹ của một thiếu niên anh hùng Hồ Văn Mên và người bạn thân Phạm Văn Tiền với trận đánh nổi tiếng tiêu diệt gần 60 tên địch ở sòng bài Phú Văn. Cựu chiến binh Phạm Văn Tiền nhớ lại đó là vào khoảng mùa khô năm 1965 hay 1966 gì đó (tháng 3-1966) vì lúc này ông còn nhỏ nên cũng không để ý đến năm, tháng như thế nào. Ông cho biết ở sòng bài Phú Văn này có rất nhiều sỹ quan Mỹ, Ngụy, bọn tay sai thường hay đến đây chơi bài và ức hiếp người dân buôn bán trong chợ Phú Văn để lấy tiền nướng vào sòng bài. Trước thời cơ tiêu diệt địch rất tốt đó; tổ chức đã giao ông và Hồ Văn Mên theo dõi quy luật hoạt động của bọn lính ở sòng bài Phú Văn. Bởi vì ông và Hồ Văn Mên lúc này còn nhỏ, nên tụi lính không để ý đến. Sau nhiều ngày theo dõi quy luật đi lại và hoạt động của tụi lính ở sòng bài Phú Văn, Phạm Văn Tiền và Hồ Văn Mên là những thành viên đội du kích nhí An Thạnh lập kế hoạch tiếp cận để diệt bọn ác ôn.

Ảnh: Bản xác nhận của Chi bộ Đảng An Thạnh đối với quần chúng Phạm Văn Tiền, có tham gia trận đánh sòng bài Phú Văn trong lý lịch xin vào Đảng của CCB Phạm Văn Tiền

Ông cho biết để tránh sự nghi ngờ của bọn lính, ông và Hồ Văn Mên đã được tổ chức giao cho mỗi người một quả lựu đạn. Sau đó mua một ổ bánh mì Sài Gòn loại dài khoảng 5 tấc lấy ruột rỗng và bỏ lựu đạn vào, rồi dấu ở một địa điểm gần đó. Ông và Hồ Văn Mên, cứ như bao đứa trẻ khác giả bộ đến sòng bài để kiếm miếng ăn; nhưng thực chất là để nghe ngóng, tìm thời cơ ra tay diệt giặc. Khoảng 11 giờ, ông và Hồ Văn Mên nhìn thấy một tên giặc nai nịt khác so với bọn lính (nghi là sỹ quan) đi từ trong sòng bài ra ngoài, rồi lại đi vô mấy lần. Và cứ mỗi lần tên này đi ra lại có đám lính theo sau. Nhận thấy thời cơ giết giặc đã đến; ông cùng Hồ Văn Mên liền đi lấy ổ bánh mì, bên trong có dấu lựu đạn và đi đến gần sòng bài Phú Văn. Khi tên sỹ quan kia vừa từ ngoài vào sòng bài và lợi dụng lúc bọn lính sơ hở. Hồ Văn Mên liền lấy lựu đạn ném vào bên trong sòng bài. Lựu đạn nổ làm bay tôn của sòng bài, khói mù mịt, quân lính náo loạn. Cơ hội không thể tốt hơn, Hồ Văn Mên bảo ông ném lựu đạn vào tiếp. Quả thứ hai phát nổ, ông cùng Hồ Văn Mên thản nhiên ăn bữa bánh mỳ buổi trưa như không có chuyện gì. Ông cho biết lúc đó nhốn nháo lại thấy hai đứa trẻ thản nhiên ăn bánh mỳ, nên bọn lính không hề nghi ngờ và lại chúng còn đang hoảng loạn, lo gom xác những tên đã chết nên cũng chẳng bắt giữ ông cùng Hồ Văn Mên. Lợi dụng tình thế đó, ông và Hồ Văn Mên đã thoát thân và về báo với tổ chức. Trên đường đi, ông và Hồ Văn Mên đã được tổ chức cử người ra đón đưa về, bởi như người ra đón cho biết các chú rất lo lắng cho ông và Hồ Văn Mên sau sự việc trên.

Sau trận đánh sòng bài Phú Văn; ông và Hồ Văn Mên tiếp tục làm nhiệm vụ giao liên và trong một lần như vậy, ông bị trúng đạn và bị thương. Cũng từ đây ông dần bị địch nghi ngờ. Lo lắng cho an toàn tính mạng của cháu nội mình, ông bà nội ông liền xin tổ chức và giục cha ông phải đưa ông về căn cứ nơi cha ông đang hoạt động tại Chánh Lưu, Nhà Đỏ. Trước áp lực từ ông bà nội ông và cũng nhân lúc ông bị thương, tổ chức đành phải liên lạc với cha ông để đưa ông về nơi an toàn. Sau đó, ông được cha ông đưa đến nơi hoạt động, ông được ăn Tết Đoan Ngọ cùng các bác, các chú trong khu Chánh Lưu, Nhà Đỏ vào cùng năm diễn ra trận đánh sòng bài Phú Văn. Sau khi ông bình phục, cha ông đã đưa ông về lại vùng đất An Linh nơi ông chào đời và sinh sống cho đến hôm nay.

Ảnh: CCB Phạm Văn Tiền đang kể lại câu chuyện cùng anh hùng Hồ Văn Mên đánh giặc tại sòng bài Phú Văn cho cháu nội đang học lớp 4 nghe

Kể câu chuyện cùng anh hùng Hồ Văn Mên đánh giặc; theo Cựu chiến binh Phạm Văn Tiền cho biết ông nói ra không phải để kể công lao với lịch sử. Bởi với 70 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng ông đã thấy mình may mắn và tự hào rất nhiều so với nhiều người. Mà ông nói ra đây để con cháu ông lấy đó làm niềm tự hào, động lực sống, thành người có ích cho xã hội; sống xứng đáng với những hy sinh, mất mát của cha ông. Theo thầy Nguyễn Thanh Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Diệu, huyện Phú Giáo cho biết: Câu chuyện của CCB Phạm Văn Tiền thật sự là bài học lịch sử quý giá, ông là nhân chứng sống để khẳng định tinh thần gan dạ, anh hùng của anh hùng Hồ Văn Mên, làm phong phú thêm lịch sử đấu tranh hào hùng của quân và dân Sông Bé – Bình Dương. Với câu chuyện ý nghĩa này, Ban giám hiệu nhà trường sẽ sắp xếp mời CCB Phạm Văn Tiền nói chuyện với các em học sinh về câu chuyện này, để các em càng hiểu thêm lịch sử địa phương tỉnh Bình Dương.

HẢI SÂM

 

 

Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn Đặc công D60 và các đơn vị lực lượng vũ trang khác hân hoan đi bầu cử
Liên kết website
Các Sở, Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 6086
Tuần này: 12952
Tháng này: 10590
Tổng truy cập: 8240024