Tổ hợp tác chăn nuôi heo xã Phước Sang: Đưa sản phẩm heo VietGap đến người tiêu dùng

31/10/2017    Lượt xem: 494    In bài viết   Độ tương phản  

Xuất phát từ ý nghĩ giải cứu heo do giá cả xuống thấp, tránh bị thương lái ép giá, cắt giảm thua lỗ cho người chăn nuôi heo của anh Đặng Hữu Đức, ngụ ấp Bến Cát, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo đề xuất. Tháng 3 năm 2017, Tổ hợp tác chăn nuôi heo xã Phước Sang được UBND xã kí quyết định thành lập. Đến nay, sau gần 8 tháng đi vào làm ăn theo hình thức liên kết sản xuất, Tổ hợp tác chăn nuôi heo Phước Sang đã đưa ra thị trường và đến tay người tiêu dùng sản phẩm heo an toàn và đang hướng đến sản phẩm thịt heo đạt tiêu chuẩn an toàn VietGap, với tiêu chí và tôn chỉ mục đích hoạt động chung là vì sức khỏe cộng đồng trên hết, chứ không phải vì lợi nhuận của người chăn nuôi.

Tổ hợp tác chăn nuôi heo xã Phước Sang, hiện có 16 thành viên là những người chăn nuôi heo quy mô hộ gia đình trên địa bàn xã Phước Sang và một số xã như An Linh, An Bình, An Thái, Tân Hiệp…, do anh Đặng Hữu Đức, ngụ ấp Bến Cát, xã Phước Sang làm Tổ trưởng, có quy mô tối đa khoảng 700 heo nái và từ 5.000  đến 7.000 heo thịt, được thành lập vào tháng 3 năm 2017. Đến nay dù mới đi vào hoạt động gần 8 tháng nhưng các thành viên trong Tổ đang hướng đến việc đưa ra thị trường và đến tay người tiêu dùng sản phẩm thịt heo an toàn theo hướng VietGap. Anh Đặng Hữu Đức, Tổ trưởng tổ chăn nuôi heo xã Phước Sang chia sẻ: Những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017, trước tình hình giá heo trong cả nước xuống thấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến người chăn nuôi heo, nhất là những hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ bị tác động rất lớn, ngoài giá cả xuống, còn do tình trạng thương lái ép giá càng khiến cho người chăn nuôi thêm lỗ nặng. Do đó, được sự tạo điều kiện của UBND xã và Hội Nông dân xã, anh đứng ra kêu gọi bạn bè anh là những người chăn nuôi heo nhỏ lẻ liên kết lại với nhau nhằm tạo một mối liên kết trong hoạt động chăn nuôi, giải cứu heo và người chăn nuôi heo trước tình cảnh khó khăn đó. Đồng thời để các thành viên của Tổ liên kết có thêm thu nhập bằng việc mổ heo bán thịt ra thị trường. Để đảm bảo sản phẩm thịt heo của các thành viên trong tổ tiêu thụ ổn định trên thị trường, theo anh Đức cho biết anh đã đề xuất các thành viên thực hiện quy trình chăn nuôi heo đảm bản an toàn, không có dư lượng thuốc kháng sinh trong con heo và sản phẩm thịt heo đến tay người tiêu dùng.


Ảnh: Điểm bán thịt heo an toàn của Tổ hợp tác chăn nuôi heo xã Phước Sang luôn trong tình trạng “cháy hàng”, mới hơn 8 giờ nhưng quầy thịt heo đã bán hết sạch

Theo đó, quy trình chăn nuôi heo của Tổ hợp tác chăn nuôi heo xã Phước Sang được thực hiện khép kín hoàn toàn từ khi heo con sinh ra cho đến khi xuất chuồng. Heo con từ khi sinh ra đến 20kg sẽ được cho ăn cám con cò nhằm tăng cường sức đề kháng. Bắt đầu từ 20kg trở đi, heo sẽ được cho ăn thức ăn do chính người nuôi thực hiện pha trộn. Anh Đức cho biết, với việc cho heo ăn bằng cám do chính người nuôi pha trộn vừa đảm bảo theo công thức, chất lượng thức ăn và quan trọng hơn chúng tôi sẽ kiểm soát được hoàn toàn dư lượng kháng sinh có trong thức ăn. Tiếp đó, khi con heo được 50 kg, sẽ được tách biệt ra một khu vực khác và được nuôi theo phương thức truyền thống là cho ăn bằng thức ăn thô hoàn toàn, bao gồm bột bắp, cám gạo, bột cá mà không có bất kì chất kích thích tăng trưởng hay chất tạo nạc. Cũng theo anh Đức, với việc cho heo ăn hoàn toàn thức ăn thô vào giai đoạn khi con heo được 50kg trở lên, buộc người chăn nuôi sẽ phải kéo dài thêm thời gian từ 5,5 đến 6 tháng mới có thể xuất chuồng. Nhưng ngược lại, lúc này con heo đạt chất lượng rất cao, thịt heo trở nên săn chắc vì toàn bộ mỡ thừa, nước tích tụ trong con heo sẽ được rút đi, làm trở tỷ lệ hao hụt trong thịt heo giảm xuống, các độc tố còn dư trong con heo sẽ được đào thải giúp thịt heo sẽ thơm, ngọt hơn. Và một điều đặc biệt quan trọng trong quá trình cho ra sản phẩm thịt heo an toàn của Tổ hợp tác chăn nuôi heo xã Phước Sang theo anh Đức cam kết đó là nếu từ 45kg trở lên khi bị bệnh sẽ được tách ra khu vực riêng biệt. Nếu con heo đến thời kì xuất chuồng mà bị bệnh phải chích thuốc thì phải sau ít nhất 45 ngày kể từ ngày ngưng chích thuốc chúng tôi mới xuất chuồng, làm thịt đưa sản phẩm ra thị trường.


Ảnh: Mô hình chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGap, đảm bảo sản phẩm không còn dư lượng thuốc kháng sinh và độc tố của anh Đặng Hữu Đức, tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi heo xã Phước Sang, địa chỉ Ấp Bến Cát, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương

Để thực nghiệm việc đưa sản phẩm heo an toàn VietGap, anh Đức đã cho thực hiện bán thịt heo hiện nay của Tổ tại chợ Phước Sang và một số vùng lân cận. Theo anh Đức chia sẻ: Đến nay sau hơn hơn tháng triển khai bán sản phẩm thịt heo quầy thịt heo của Tổ luôn trong tình trạng cháy hàng. Hôm nào bán chậm lắm cũng khoảng 80 giờ 30 sáng là chúng tôi bán hết. Dù thời gian nuôi có kéo dài hơn so với nuôi theo hình thức công nghiệp, nhưng không vì vậy mà chúng tôi tăng giá bán, cũng không vì muốn chiếm lĩnh thị trường mà chúng tôi hạ giá bán, gây lũng đoạn thị trường; giá thị trường bao nhiêu, chúng tôi bán bấy nhiêu. Với những đánh giá và ghi nhận của người tiêu dùng, thời gian tới chúng tôi sẽ mở thêm một số sạp bán sản phẩm thịt heo an toàn của Tổ tại các xã Tân Hiệp, An Linh, An Thái, An Bình… Cũng theo anh Đức thì hiện nay anh đã làm hồ sơ đăng kí thực hành chăn nuôi heo theo hướng VietGap đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh và phấn đấu đầu 2018 được công nhận. Nếu được công nhận sản phẩm heo VietGap, Tổ hợp tác chăn nuôi heo Phước Sang sẽ cung cấp đảm bảo ra thị trường và đến tay người tiêu dùng mỗi tháng từ 50 đến 60 tấn thịt heo an toàn sinh học. Và đó cũng chính là mục tiêu chính mà Tổ chúng tôi hướng đến, với mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng.

HẢI SÂM

Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn Đặc công D60 và các đơn vị lực lượng vũ trang khác hân hoan đi bầu cử
Liên kết website
Các Sở, Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 6204
Tuần này: 13070
Tháng này: 10708
Tổng truy cập: 8240142