DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CHÙA BỬU PHƯỚC
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Đây là ngôi chùa được nhà sư Từ Chí - Như Bình thuộc thế hệ thứ 41 dòng Chúc Thánh từ đất Quảng vào xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX (1908), được xem là ngôi chùa sớm nhất ở Phú Giáo (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo), hiện tọa lạc tại số 166 ấp 1A, tổ 2, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Vào năm 1908, nhà sư Từ Chí – Như Bình thuộc thế hệ thứ 41 dòng Chúc Thánh, từ đất Quảng theo đoàn công tra vào Nam. Thấy bà con nơi đây có đức tin nên thiền sư Như Bình quyết tâm trụ lại để cùng bà con xây dựng chùa Bửu Phước tại làng Phước Hòa, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc ấp Bưng Riềng, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo). Với niềm tin Phật của đồng bào nơi đây và sự vận dụng tinh thần khế lý, khế cơ của sư Từ Chí, không bao lâu ngôi chùa đã đón nhận được đông đảo bá tánh quy ngưỡng, lễ bái.

Đến năm 1941, sau phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa, chiến tranh loạn lạc, chùa Bửu Phước đã được dời về vùng suối Lùng (vị trí chùa tọa lạc hiện nay). Năm 1946, chùa lại bị giặc Pháp đốt phá, vì chư tăng trong chùa tham gia kháng chiến. Lần thứ ba ngôi chùa bị san bằng, do một lần chùa cúng giỗ đã mời lính Pháp ở cầu Sông Bé vào dự, lợi dụng sự mất cảnh giác của giặc Pháp, chư tăng cùng các chiến sỹ cướp vũ khí nổi dậy nhưng không thành và chùa bị giặc Pháp đốt thành tro.

Sau khi chùa bị đốt phá thì hòa thượng và chư tăng chùa phải vào chiến khu tham gia kháng chiến. Thầy Thiện Linh đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, được nhà nước công nhận là liệt sĩ, Thầy Thiện An tham gia làm Phó Chủ tịch kiêm kinh tài Ủy ban kháng chiến hành chính xã Sông Lô. Năm 1948, Hòa thượng Từ Chí lâm bệnh qua đời trong vùng kháng chiến, thọ 63 tuổi. Năm 1954, sư Thiện An trở về tái lập chùa ở vị trí cũ.

anh tin bai

Ảnh: Cổng Chùa Bửu Phước ngày nay

Tại ngôi chùa Bửu Phước, sư Thiện An tiếp tục nuôi giấu cán bộ, tạo dựng cơ sở cách mạng. Chùa còn mở lớp miễn phí cho con em nhà nghèo ở địa phương không có điều kiện học hành, lập ban bảo trợ cấp táng cho bà con khi có ma chay và nhiều công tác từ thiện khác.

Từ năm 1945 đến năm 1968, chùa là cơ sở hoạt động bí mật, là nơi luân chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các chiến sỹ hoạt động cách mạng. Tại cơ sở này, các chư tăng đã nắm được nhiều thông tin liên lạc, là đầu mối làm thất bại nhiều cuộc càn quét của chính quyền Sài Gòn. Với tấm lòng từ ái của sư Thiện An, nên hàng ngàn tín đồ và bà con vùng này đều quy ngưỡng về chùa Bửu Phước. Để đánh dấu sự cống hiến của ngài, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng thưởng Hòa thượng Thiện An 2 huân chương kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Hòa thượng được Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương suy cử vào hàng cố vấn chứng minh của Tỉnh hội Phật Giáo. 

Ngày 11 tháng 10 năm Mậu Dần (1998) Hòa thượng Thiện An viên tịch, hiện nay chùa Bửu Phước nằm trong hệ thống quản lý của Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương. Giám tự là thầy Thích Huệ Trí, viện chủ là thầy Thích Huệ Thông.

Để tưởng niệm công đức thầy Tổ, tháng Giêng năm Ất Dậu (2005), Thượng tọa Huệ Thông cùng môn nhơn và đồng bào phật tử tổ chức đại trùng tu lại toàn bộ ngôi chánh điện theo lối kiến trúc cổ. Cấu trúc chùa gồm: Tiền điện và chánh điện.

Phần tiền điện được đúc hai tầng mái. Toàn bộ mái chùa được đúc bằng bê tông dán ngói ống âm dương tráng men xanh ngọc. Trên mái tiền điện – chánh điện trang trí 04 rồng uốn lượn dài khoảng 2m, 04 cá hóa long, 04 cặp giao long và dây lá hoa sen. Hai bên mái song chùa trang trí 02 vị La Hán Hàn Long, Phục Hổ với 02 cặp Lưỡng Lân Hí Cầu tượng trưng cho sự hưng thịnh, bình an.

Mặt tiền của chùa trang trí 04 rồng, 04 dây sen quấn cột cùng với các liễn đối với 02 vị thần Kim Cang, tất cả tạo nên sự hài hòa với những mảnh gốm Bát Tràng qua nghệ thuật khảm gốm nổi một cách tỉ mỉ, tinh xảo và uyển chuyển nhưng rất thanh thoát, sống động, tạo cho chùa màu sắc uy nghiêm, thanh tịnh.

anh tin bai

Ảnh: Chánh điện Chùa Bửu Phước

Phần Chánh điện chính giữa là Đức Bổn Sư Thích Ca trong tư thế thiền định được đắp tại chỗ cao hơn 3m, kế là tượng Phật Di Đà và cuối cùng là Quan Âm, Thế Chí, Phật Đản Sanh, Phật Nhập Diệt, trước là bàn thờ 05 vị Ngũ hiền: Di Đà, Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền. Hai bên điện Phật là Đức Địa Tạng và Quan Âm, bên ngoài có Hộ Pháp, Tiêu Diện.

Bộ bao lam trang trí sử dụng vật liệu bằng bê tông nhưng đã thể hiện được nguyên mẫu của bộ bao lam cổ Thập Bát La Hán ở chùa Hội Khánh. Ngoài ra, chánh điện còn được trang trí hoành phi, liễn đối rất hài hòa, sinh động, hoành tráng nhưng không làm mất đi sự trang nghiêm tôn kính nơi cửa Phật.

Hậu tổ, Giảng đường và Trai đường được xây dựng vào năm 1954 nhưng qua chiến tranh tàn phá cũng bị sụp đổ và được trùng tu, sửa chữa nhiều lần bằng chất liệu cột gỗ, mái ngói thấp như ủ bao điều kỳ diệu ẩn chứa nơi chốn thiền môn.

Dù ngôi chùa đã bao lần bị giặc đốt phá nhưng ở đây còn giữ lại được 02 pho tượng Đức Bổn Sư Thích Ca bán thân, chất liệu bằng đồng và Đức Già Lam Thánh Chúng (Quan Công - tự Quan Vân Trường) chất liệu bằng gỗ mít được chạm trổ khá tinh xảo, có đường nét mỹ thuật cân đối. Không gian sân chùa là điện thờ Quan Âm và ngôi tháp tổ của Hòa thượng Thiện An đã tạo cho quang cảnh của ngôi chùa bề thế, tĩnh mịch.

anh tin bai

Ảnh: Chùa Bửu Phước

Đây là ngôi chùa được xây dựng rất sớm nằm, trong thời kỳ kháng chiến từng là cơ sở hoạt động bí mật, là nơi luân chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các chiến sỹ cách mạng và là cơ sở giao liên cho đến ngày thống nhất đất nước.

Chùa Bửu Phước được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 4727/QĐ-UBND ngày 30/10/2007. Ngày nay, chùa không chỉ là nơi tăng chúng tu học, nơi phật tử sớm tối đi về tụng kinh, niệm Phật, tu nhân hướng thiện, là nơi người dân đến để cầu nguyện an lành, mà Chùa còn là địa chỉ du lịch tâm linh của du khách trong và ngoài huyện Phú Giáo./.

Lý Vinh

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Bản quyền thuộc Ủy ban nhân dân huyện Phú Giáo
Địa chỉ: đường Hùng Vương, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Điện thoại : 02743. 672 441    Fax : 02743. 672 578 
Email:  vpubphugiao@binhduong.gov.vn