image banner
 
DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẦU SÔNG BÉ
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản

Sông Bé là phụ lưu bên trái sông Đồng Nai, Sông Bé hòa với sông Đồng Nai qua Sài Gòn rồi hợp lưu với những dòng sông khác ở Long An, Tiền Giang, Hậu Giang hòa vào biển Đông.

Cầu Sông Bé nối liền 2 xã Phước Hòa và Vĩnh Hòa huyện Phú Giáo. Cầu được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1925 khi thành lập Sở Cao su Phước Hòa phục vụ cho quá trình khai thác thuộc địa, cũng như mở rộng những đồn điền Cao su tại Phú Giáo, Phước Long… đây là tuyến đường huyết mạch lên Tây Nguyên.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, phong trào đấu tranh của công nhân cao su nơi đây rất mạnh mẽ, hơn 5.000 công nhân liên kết lại đòi độc lập dân tộc, thực dân Pháp đàn áp dã man, nhiều cuộc biểu tình bị dồn trong biển máu. Nhà tù mọc lên bên rừng cao su. Cầu Sông Bé đã có lúc thành đoạn đầu đài, những nhịp bê tông hóa cọc xử bắn. Dòng Sông Bé đã có ngày là huyệt mộ sâu của những người theo cách mạng.

anh tin bai

Ảnh: Cầu Sông Bé thời điểm năm 1966 (sưu tầm)

Trong kháng chiến chống Mỹ, cầu Sông Bé là tuyến giao thông huyết mạch của chính quyền Sài Gòn, bọn ác ôn dưới trướng Tỉnh trưởng Phước Thành - Nguyễn Minh Mẫn đã biến nơi đây thành điểm xử bắn các đồng chí đồng bào hoạt động cách mạng. Chúng lôi những người tham gia cách mạng hoặc bị tình nghi tham gia cách mạng tới đây bắn chết, rồi đẩy xác xuống sông. Hình thức tra tấn của địch rất dã man. Chúng cho bắt những người chúng nghi ngờ theo cách mạng xét hỏi, nếu ai không khai, chúng liền bỏ vào bao tải, cột miệng bao và đạp xuống sông, sau đó vớt lên tra hỏi tiếp. Cứ như thế chúng làm đi làm lại cho tới khi nào chịu khai ra mới thôi, có những người chúng bỏ xuống sông cho đến lúc chết rồi để trôi mất xác.

Trước sự đàn áp dã man của giặc, nhân dân ta vẫn kiên cường đứng lên đấu tranh, lúc này cầu Sông Bé trở thành cửa ngõ chiến khu Đ. Đêm 27 rạng sáng ngày 28/4/1975, lực lượng vũ trang huyện Phú Giáo đã diệt địch và bức rút toàn bộ đồn bót trên hai xã Bình Mỹ và Bình Cơ dọc trục lộ 16, mở đường cho hai cánh của Quân đoàn 1 đánh qua phía Tây (nam Bến Cát) xuống Dĩ An, Lái Thiêu.

Ngày 29/4/1975, địch ở chi khu Phú Giáo (Phước Vĩnh) rút qua cầu Sông Bé để chạy về Lai Khê, Bến Cát. Trên đường tháo chạy, địch bị bộ đội và du kích Phú Giáo chặn đánh diệt 30 tên.

Chiều ngày 29/4/1975, quân địch tràn về Phước Hòa để tìm đường rút chạy. Để tránh bị truy kích của quân ta, tên chỉ huy trung đội biệt kích ngụy tại Phước Vĩnh đã cho đặt mìn phá hủy cầu Sông Bé. Đến 13 giờ, lực lượng vũ trang huyện, phối hợp với lực lượng của Phước Vĩnh đánh chiếm chi khu quân sự Phước Vĩnh, diệt bót Phước Hòa; chi bộ xã Tân Bình tổ chức lực lượng du kích chủ động đón lõng, chặn đánh bọn địch rút chạy từ Phước Vĩnh về, đồng thời kết hợp vận động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, phá trụ sở tề ngụy, gọi hàng binh lính và truy lùng bọn ác ôn ngoan cố. Kết quả bắt hơn 200 tên, thu hơn 200 súng các loại. Trưa ngày 30/4, huyện Phú Giáo đã hoàn toàn được giải phóng.

anh tin bai

Ảnh: Di tích lịch sử văn hóa Cầu Sông Bé

Cầu Sông Bé hiện nay ngoài nhịp giữa bị đánh sập, phần còn lại của cầu vẫn còn khá nguyên vẹn và chắc chắn. Cầu có bề ngang hơn 4,5m, chiều dài mỗi bên của cầu còn lại sau khi gãy khoảng 50m, gồm 3 nhịp dầm thép, bê tông. Chỗ cao nhất 2 bên thành cầu 6m, thấp nhất 3,5m, chân cầu cao 30m. Năm 2020, cầu được sửa chữa và lắp đặt hàng rào bảo vệ 02 bên thành cầu.

anh tin bai

Ảnh: Bia tưởng niệm tù chính trị Phước Thành

Để ghi lại những tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đối với nhân dân ta trong chiến tranh, năm 2011, huyện Phú Giáo đã cho xây dựng Bia tưởng niệm tù chính trị Phước Thành tại đầu cầu gần phía ấp Bưng Riềng, xã Vĩnh Hòa để tưởng nhớ hơn 300 chiến sĩ tù chính trị Phước Thành, nay là tỉnh Bình Dương, bị địch sát hại trong giai đoạn 1945 – 1961. Bên cạnh đó, cầu gãy Sông Bé còn được Đảng bộ huyện Phú Giáo dùng làm nơi để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới.

anh tin bai

Ảnh: Cầu Sông Bé đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh

Năm tháng qua đi, chiến tranh đã lùi xa, nhưng hình ảnh cây cầu gãy đã minh chứng cho cuộc chiến tranh đầy cam go, ác liệt. Tại đây đã ghi dấu những chiến công hào hùng của quân và dân Bình Dương. Với những giá trị lịch sử truyền thống vô cùng to lớn, Cầu Sông Bé đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh ngày 03 tháng 7 năm 2012./.

anh tin bai

Ảnh: Di tích lịch sử văn hóa Cầu Sông Bé

Lý Vinh

Đánh giá - Nhận xét

5
1 Nhận xét
  • 1
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Bản quyền thuộc Ủy ban nhân dân huyện Phú Giáo
Địa chỉ: đường Hùng Vương, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Điện thoại : 02743. 672 441    Fax : 02743. 672 578 
Email:  vpubphugiao@binhduong.gov.vn