Phóng sự: Sau Tết các chợ trên địa bàn huyện Phú Giáo hàng hóa dồi dào, giá giảm nhẹ

19/02/2024    Lượt xem: 110    In bài viết   Độ tương phản  

Vòng quanh các chợ truyền thống và cả các chợ tạm trên địa bàn huyện Phú Giáo những ngày sau Tết. Điều chúng tôi ghi nhận là không khí mua bán tại các chợ khá trầm lắng. Tại chợ truyền thống An Linh, nhiều tiểu thương cho biết sức mua sau Tết năm 2024 này giảm hơn so với năm 2023. Dù ngày 8 Tết nhưng người bán, người mua vẫn còn khá ít. Chị Nguyễn Thị Hằng, một tiểu thương buôn bán thịt heo tại chợ cho biết chị đã trải qua nhiều cái Tết buôn bán trầm lắng, nhưng năm nay vẫn là Tết khó khăn, dù rằng hy vọng về một năm mới có nhiều đột phá vẫn rất khả quan và giá cả năm nay giảm nhẹ so với Tết năm 2023. Năm nay chị mở hàng khám sớm. Mới ngày mồng 2 Tết chị đã ra bán hàng. Ngồi cả buổi sáng mà 2 chị em không bán hết con heo 70, 80kg. Mọi năm phải mồng 6 hoặc mồng 7 Tết việc mua bán ở chợ mới trở lại và tấp nập. Nhưng năm này, nhiều tiểu thương như chị mồng 2 Tết đã “khai chợ” để bán hàng. Có một điều vui mừng là ngày 3 Tết người dân mua bán lại khá tấp nập. Còn lại những ngày sau đó sức mua của người dân khá yếu, khoảng 60% đến 70% so với ngày thường. Giá cả các mặt hàng như thịt heo, rau, củ, quả, trái cây giảm nhẹ so với trước Tết và giảm khá mạnh so với Tết năm 2023. Các mặt hàng như rau, củ, quả, cá, khô cũng giữ giá hoặc giảm nhẹ. Biết là năm nào sau Tết sức mua của người dân chưa tăng; nhưng chị cùng các tiểu thương trong chợ vẫn ra ngồi cho vui, cho xôm chợ để mang đến những niềm hy vọng về năm mới với nhiều hy vọng mới.

Chị Nguyễn Thị Huệ, một tiểu thương buôn bán các mặt hàng cá nước ngọt, cá sông tại chợ An Linh cho biết thêm: Cũng như mọi năm, sau Tết nhu cầu của người dân tiêu thụ cá khá nhiều Mặt hàng cá của chị năm nay lượng hàng có giảm so với trước nhưng vẫn có nguồn cung đáp ứng nhu cầu người dân. Giá cả năm nay giảm so với trước kia. Và việc mua bán cũng khá khả quan. Hai ngày khai trương bán hàng, hàng cả của chị đều bán hết khá sớm. Các gian hàng khác ai cũng bán tốt. Hàng khô cũng khá nhiều người mua. Có lẽ sau Tết ai cũng ngán thịt, dò, chả nên nhu cầu sử dụng cá, khô tăng là điều bình thường. Tuy nhiên, không vì vậy mà những người bán hàng cá, khô như chị tăng giá. Bởi theo chị quan trọng là có người mua, niềm tin của khách hàng dành cho mình. Chứ không nên lợi dụng nhu cầu tăng cao mà mình tăng giá được. Chỉ khi nào giá mua vào tăng, thì chị mới bán ra tăng bằng với mức tăng mùa vào. Buôn bán thì đành rằng phải có lời. Nhưng không vì vậy mà mình tranh thủ trục lợi không tốt. Đối với các mặt hàng rau, củ hàng hóa cũng dồi dào hơn so với năm 2023. Nhiều tiểu thương buôn bán rau tại chợ bán xuyên Tết.

Tại chợ An Thái, dù các gian hàng chưa lấp đầy và cũng chủ yếu là các gian hàng thịt. Hầu hết các gian hàng rau, củ, quả đã hoạt động trở lại và hàng hóa cũng ngập tràn các gian hàng của các Tiểu thương. Chị Bùi Thị Thủy, một tiểu thương bán rau, củ tại chợ An Thái cho biết năm nay do khó khăn trong Tết, nên sau Tết chị tranh thủ ra chợ sớm để kiếm đồng lo cho gia đình. Được cái năm nay giá cả hàng rau, củ, quả giảm so với năm trước nên người dân mua cũng khá nhiều. Chị Thủy cho biết hàng hóa vẫn giữ giá như trong Tết và thậm chí có mặt hàng giá giảm so với Tết. Như cà chua, nếu trong Tết giá 20 ngàn đến 25 ngàn đồng/kg. Thì sau Tết này, giảm còn 15 ngàn đến 17 ngàn đồng/kg. Cà rốt, dưa leo cũng giảm nhẹ 1 ngàn đến 2 ngàn. Đúng là khi hàng hóa giảm giá, việc mua bán thuận lợi hơn. Cũng những mặt hàng này năm trước giá tăng so với trước Tết khiến người dân mua bán dè dặt. Năm nay giá giảm nên bán cũng được. Dù rằng chưa như kì vọng của người bán. Bởi đặc trưng sau Tết đó là người dân có đi mua, nhưng chỉ mua chút ít vì ai cũng còn đồ ăn của những ngày Tết. Chúng tôi kì vọng từ ngày 10 trở đi sức mua sẽ tăng hơn.

Ảnh: Các chợ trên địa bàn huyện Phú Giáo hoạt động trở lại sau Tết và hàng hóa dồi dào, giá cả giảm nhẹ. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại chợ An Thái

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, người mua hàng tại chợ An Linh cho biết: Năm nào cũng vậy, sau Tết nhu cầu mua sắm của gia đình chị chủ yếu là các mặt hàng như rau, củ, quả. Bởi các mặt hàng thịt, giò, chả nhà chị còn rất nhiều trong tủ lạnh và cũng sử dụng rất ít. Nên khi đi chợ chị chỉ mua rau, củ để về nấu ăn cho gia đình. Và đây cũng là loại hàng hóa không thể dự trữ được. Đồng thời nay tâm lý dự trữ hàng hóa cho Tết trong gia đình chị cũng giảm đi theo xu hướng. Ngoài rau, củ… chị còn quan tâm đến các loại cá và thích nhất vẫn là cá sông còn tươi ngon, đang bơi trong chậu của người bán. 3 ngày Tết quá nhiều năng lượng, giờ ra Tết cũng nên xả bớt, tìm về các mặt hàng nhiều xơ, nhẹ nhàng để cân bằng lại. Một điều cũng khá vui đó là hàng hóa năm nay ngập tràn, không có dấu hiệu khan hiếm như Tết năm trước và giá cả không chỉ giữ như trong Tết mà giảm nhẹ, có mặt hàng giảm nhiều so với trước Tết. Như dưa leo giảm 1 ngàn đến 2 ngàn đồng/kg, cà chua, cà rốt, bắp cải, xà lách… cũng vậy đều giảm. Nói chung giá cả chỉ cần giữ như trong Tết thì người tiêu dùng cảm thấy rất vui và cũng mới dám mua kha khá về dùng. Chứ nếu tăng cao chắc chỉ mua ít ít một về dùng dè xẻn. Năm nay đi chợ mua rau, củ, quả ai cũng mạnh tay mua nhiều một tý cho cả nhà dùng trong ngày thoải mái hơn.

Anh Phạm Bá Long, người dân mua hàng tại chợ Phước Vĩnh cho biết thêm dù là chợ Trung tâm của huyện Phú Giáo; nhưng năm nay giá cả hàng hóa của Tiểu thương tại chợ này cũng giảm so với năm trước, dù rằng hoạt động buôn bán trong khu vực chợ chưa nhộn nhịp như trước Tết. Nhưng với không khí như vậy cũng mang đến một điều gì đó để cho các Tiểu thương tại các chợ một niềm hy vọng về một năm buôn bán thuận hòa. Còn với người tiêu dùng cũng tin tưởng rằng đây sẽ là một năm mà hoạt động buôn bán thuận lợi, nhưng giá cả hàng hóa sẽ không có dấu hiệu bị đẩy lên cao, tăng đột biết, thậm chí là khan hiếm hàng. Chứ tâm lý của Tiểu thương cũng mong giá cả hàng hóa xuống thấp mới dễ dàng làm ăn và người mua giá thấp thì mới mạnh dạn chi tiêu cho gia đình. Chứ giá cứ neo cao, thì người tiêu dùng sẽ xiết chặt chi tiêu, lượng hàng hóa càng bán ra chậm, thì tiểu thương càng thất thu, càng khó khăn hơn. Đó là quy luật tất yếu dù cuộc sống không thể thiếu các mặt hàng thiết yếu. Nhưng giá tăng cao, thì sẽ phải xiết chặt, cắt giảm chi tiêu.

Ông Lê Thanh Bình, Phó trưởng Ban quản lý chợ Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo cho biết: Nhìn nhận một cách tổng thể năm nay giá cả hàng hóa đã thấp hơn so với Tết năm 2023, bởi tác động của tình hình kinh tế trước Tết kéo theo. Nhưng một tín hiệu lạc quan đó là năm nay hàng hóa về chợ rất dồi dào. Tiểu thương mở hàng buôn bán khá sớm. Ngay từ mồng 4, mồng 5 Tết đã có một số tiểu thương mở hàng. Đến ngày 6 Tết khoảng 85% Tiểu thương đã ra chợ khai trương. Hàng hóa chủ yếu vẫn là rau, củ, các mặt hàng ăn uống. Còn các mặt hàng khác như quần áo, giày dép chắc phải từ mùng 10 trở đi mới mở hàng. Sức mua của người dân dù chưa nhiều nhưng vẫn khá hơn so với năm trước. Giá cả giảm nhẹ, khoảng 10% so với trong Tết. Thực sự với tín hiệu tốt từ những ngày đầu năm. Hy vọng một năm buôn bán thuận lợi của Tiểu thương trong chợ sẽ tốt hơn. Qua đó góp phần kích cầu sự phát triển của kinh tế, thương mại của địa phương.

Không chỉ các chợ truyền thống, các chợ tạm; mà năm nay các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn huyện cũng khá hơn. Tại các chợ tạm như An Bình, Tân Hiệp, Tân Long cũng nhộn nhịp hơn và giá cả cũng “mềm hơn” so với năm 2023.  Cô Lê Thị Tình, một tiểu thương buôn bán rau, củ tại chợ Tân Long thấy “người quen” liền khoe với chúng tôi rằng năm nay buôn bán khá hơn so với năm 2023. Theo cô Tình có lẽ lý do người dân mua bán nhiều hơn là do năm nay giá cả các mặt hàng giảm nhẹ như bông cải xanh giá trong Tết là 25 ngàn đến 30 ngàn/kg, thì nay chỉ còn 20 đến 23 ngàn đồng một kí. Các loại rau gia vị cũng giảm nhẹ một đến 2 ngàn đồng một kí. Hàng hóa thì ngập tràn, mà toàn hàng tươi ngon không như năm ngoái.

Thêm vào câu chuyện tín hiệu lạc quan về giá cả sau Tết, cô Phạm Thị Hiền, tiểu thương buôn bán thịt heo tại chợ Tân Long cho biết thêm thực sự khi giá cả hàng hóa giảm thì tiểu thương mới làm ăn được. Bởi lúc đó người tiêu dùng mới mạnh tay chi tiêu, mua bán, lo cho bữa ăn của gia đình khá hơn. Chứ giá cả cứ neo cao thì người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Như thịt heo của gian hàng cô trước Tết giá dao động từ 100 ngàn đến 150 ngàn đồng/kg. Thì sau Tết giá giảm nhẹ. Điều quan trọng là người mua cũng khá hơn so với năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan mà tiểu thương chúng tôi mong đợi.

Ảnh: Hoạt động mua bán tại chợ Tân Long

Dù được đánh giá là một năm khó khăn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và trên địa bàn huyện nói riêng; trong đó có các hoạt động buôn bán hàng hóa tại các chợ trên địa bàn huyện. Nhưng với nguồn hàng hóa về các chợ từ chợ Trung tâm Phước Vĩnh cho đến các chợ vùng xa, chợ tạm trên địa bàn huyện; cùng sức mua tốt hơn so với Tết năm 2023. Một tín hiệu lạc quan về một năm thuận buồm, xuôi gió đối với nền kinh tế; trong đó có các hoạt động buôn bán của tiểu thương tại các chợ trên địa bàn huyện. Qua đó sẽ góp phần tích cực vào quá trình kích cầu hoạt động thương mại, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Tạo đà phát triển đưa hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ của địa phương trở thành đầu tàu quá trình phát triển.

HẢI SÂM

Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn Đặc công D60 và các đơn vị lực lượng vũ trang khác hân hoan đi bầu cử
Liên kết website
Các Sở, Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 4967
Tuần này: 11833
Tháng này: 9471
Tổng truy cập: 8238905