Một ngày trong khu cách ly điều trị bệnh Covid – 19 của huyện Phú Giáo

21/08/2021    Lượt xem: 801    In bài viết   Độ tương phản  

Một ngày của những người làm nhiệm vụ trong khu cách ly, điều trị bệnh Covid – 19 ở Phú Giáo thường thì bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 8 giờ đêm. 6 giờ sáng hàng ngày, các thành viên bắt đầu thức dậy; sau khi làm vệ sinh cá nhân, các anh, chị trong khu cách ly lại kiêm luôn nhiệm vụ của người lao công, quét dọn xung quanh khu vực trong phạm vi quy định. Nếu đồ ăn sáng được mang đến, thì các thành viên lại vội vã phân ra theo khẩu phần ăn của từng phòng đã được đăng ký vào buổi chiều hôm trước đó. Lo xong xuôi bữa ăn sáng cho những người trong khu cách ly, lúc này các thành viên mới bắt đầu bữa ăn sáng của mình. Và thường mỗi bữa ăn sáng như vậy của các thành viên khoảng gần 9 giờ sáng. Còn bữa nào đồ ăn sáng cho người cách ly đến trễ, anh em tranh thủ ăn để kịp lo cho người cách ly.

Xong bữa sáng cho người cách ly và của mình, các thành viên lại tranh thủ làm các công việc khác như lập danh sách theo dõi người cách ly, liên hệ với các thành viên trong Zalo nhóm đã được thiết lập xem ai có nhu cầu hay cần hỗ trợ các vật dụng thiết yếu hàng ngày phục vụ cá nhân không để tiếp tế. Cũng có khi các anh em trong khu cách ly tranh thủ ngã lưng trên những chiếc giường dã chiến và chợp mắt được lát. 11 giờ, các thành viên lại chuẩn bị nhận đồ ăn trưa để đưa đến cho mọi người. Có những đợt nếu đoàn đi cách ly có nhiều trẻ nhỏ, thì Ban điều hành càng thêm vất vả hơn. Lo các cháu ăn không no, hay chưa quen môi trường nên ăn không được các cháu đói, các anh chị lại đưa sữa, bim bim hoặc thức ăn vặt vào để các cháu nhỏ ăn. Lo bữa trưa xong cho mọi người, các anh, chị mới lại lo bữa ăn của mình một cách vội vã để tranh thủ ngủ giấc trưa. Thường thì giấc nghỉ trưa của các thành viên bắt đầu từ 12 giờ 30 phút và giấc nghỉ trưa cũng thường kéo dài nhất. Có khi đến tận 4 giờ chiều. Dù là như vậy, nhưng hầu như các thành viên ít khi nghỉ ngơi giờ trưa đến tận 4 giờ chiều. 17 giờ, khi những tia nắng chiều hắt bóng, dần dịu lại, các anh chị lại chuẩn bị lo bữa ăn chiều cho người trong khu cách ly. 17 giờ 30 nhận cơm, các thành viên lại tranh thủ phân phát theo danh sách đăng ký từng phòng để tránh bị lẫn lộn. Cũng như thường lệ, khi người trong khu cách ly đã ổn định giờ cơm, các thành viên lại mới nghĩ đến bữa cơm của chính mình. Nói là bữa cơm, nhưng mỗi người thường mỗi nơi chứ không được tập trung, quây quần để hàn huyên tâm sự sau một ngày mệt nhọc và cũng tranh thủ cho xong để chuẩn bị lập danh sách đăng ký bữa ăn của người cách ly cho ngày hôm sau.

Ảnh: Phát quà cho các cháu nhỏ trong khu cách ly

Nhưng có lẽ với các thành viên trong Ban điều hành các khu cách ly vất vả nhất vẫn là những ngày phải làm “xuyên đêm”, thấp thỏm đợi chờ từ 21 giờ đêm. Đó là những ngày khu cách ly, điều trị tiếp nhận những bệnh nhân mới hoặc những người cách ly mới. Những ngày đó công việc của ban điều hành thường kéo dài đến tận 3 giờ sáng hôm sau để làm các thao tác khử khuẩn xe đưa, người đồ đạc của những người đến cách ly, tra danh sách, hướng dẫn, theo dõi từng bước chân của những người vừa mới đến. Đó cũng là những ngày mà các thành viên trong khu cách ly căng thẳng nhất, mệt nhất. Bởi làm sao để công tác đón tiếp các bệnh nhân đến cách ly, điều trị một cách chu đáo nhất, nhưng cũng phải thật sự an toàn nhất cho các thành viên. Các khu cách ly không chỉ đón nhận các trường hợp là F1 mà có những đợt có là những người là F0; không chỉ là người lớn mà còn có cả các em bé, bà mẹ có thai. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ của người thực thi công vụ, mà nhiều khi các thành viên còn phải làm nhiệm vụ của một hướng dẫn viên, một chuyên gia tâm lý để hướng dẫn người cách ly và cả động viên tinh thần để họ không bi quan hay buồn bã. Thiếu tá Hoàng Văn Sửu, Chính trị viên Phó, BCH Quân sự huyện Phú Giáo – Trưởng ban điều hành khu cách ly trường THCS Trần Quang Diệu cho biết: Chúng tôi xác định ngay từ đầu khi vào khu cách ly này là phải làm tròn nhiệm của Ban điều hành và của từng thành viên đã được phân công. Đặc biệt từng thành viên phải ý thức được trách nhiệm phải làm tốt công tác phòng chống dịch. Đồng thời với đó, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phải bảo đảm tuyệt đối. Cùng với đó, hết sức quan tâm đến tâm lý của người thực hiện cách ly, kịp thời động viên tinh thần đối với những người mới đến, nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ có thai để mọi người cùng vui vẻ. Song song với đó cũng cần hết sức quan tâm đến bữa ăn hàng ngày của mọi người, để giúp họ vừa đầy đủ vật chất lẫn tinh thần. Có như vậy họ mới sớm hết bệnh, trở về với gia đình, cộng đồng, xã hội.

Ảnh: Các thành viên trong Ban điều hành khu cách ly Trần Quang Diệu, phân phát đồ ăn chuẩn bị chuyển vào cho người thực hiện cách ly

Dù vất vả, hiểm nguy bởi những nguy cơ tiềm ẩn vì bị phơi nhiễm, phải xa gia đình hàng tháng trời dòng dã, hoặc tạm xa những hạnh phúc riêng tư; nhưng với các anh, chị trong Ban điều hành các khu cách ly, điều trị ở Phú Giáo niềm vui lớn nhất của các anh, chị là hàng ngày qua hệ thống camera hoặc tận mắt được nhìn thấy người trong ly sống trong niềm vui, sự khỏe mạnh và tiến triển về sức khỏe. Nhất là các cháu nhỏ tung tăng chạy nhảy trong các khu vực thể thao dành riêng cho người cách ly, cảm thấy hạnh phúc như trong chính ngôi nhà nhỏ thân yêu của mình. Anh Nguyễn Văn Trường Bình, Thành viên Ban điều hành khu cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid – 19, Trường THCS Trần Quang Diệu, cho biết trong thời gian thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly, bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ phân công của trưởng Ban điều hành cho từng thành viên, các thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đề ra, đảm bảo an toàn cho bản thân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hạn chế đến mức tối đa những nguy cơ; thì các thành viên trong Ban điều hành chúng tôi cũng cố gắng nỗ lực bằng mọi cách có thể để chăm sóc tốt sức khỏe cho bà con trong khu cách ly, nhất là trẻ em, người già và những phụ nữ có thai.

Một ngày trong khu cách ly, thời gian không nhiều, nhưng cũng đủ để cho những người mới đến nơi đây, hoặc chỉ đến nơi đây một lần cảm nhận được những nỗi vất vả, gian nan và cả những hiểm nguy mà những người làm nhiệm vụ nơi đây phải đối mặt. Nhưng trên hết đó là tình cảm thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, động viên tinh thần và cả trách nhiệm của những người cách ly với Ban điều hành. Tình cảm đó khiến cho người cho đi, cũng như người nhận lại quý mến nhau như những người anh, người chị trong gia đình, như người đồng chí, đồng đội trên một trận chiến, khiến cho không ít người sau khi chiến thắng dịch bệnh trở về cảm thấy luyến thương. Chị Đặng Thị Nắm, Phường Thuận Giao, Thành phố Thuận An, Bình Dương, người cách ly xúc động nói: Dù mới ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ cách ly, điều trị bệnh, không chỉ bản thân chị mà tất cả mọi người trong đoàn đi cùng với chị đều cảm nhận được tình cảm thân thương. Tất cả mọi người khi đến đây không có bất cứ thứ gì ngoài vài bộ quần áo, thậm chí có người chỉ có duy nhất bộ đồ trên người chưa kịp thay. Chỉ sau một ngày tất cả mọi người đều nhận được đầy đủ vật chất phục vụ cho sinh hoạt. Ăn uống thì được chăm lo rất chu đáo, đủ dưỡng chất. Với sự chăm sóc chu đáo đó của Ban điều hành, mỗi người đều tự hứa sẽ tuân thủ nghiêm quy định, tích cực vận động, rèn luyện thể lực, đảm bảo sức khỏe, sớm hết bệnh để về với gia đình, người thân.

Cuộc chiến với Covid – 19 sẽ còn dài và để các anh, chị các Ban điều hành các khu cách ly được những phút giây ngon giấc, hay những giờ giải lao, rèn luyện sức khỏe. Nhất là các anh sớm trở về với gia đình, với con thơ rất cần sự chung tay của mọi người dân trong việc nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Bởi với các anh, chị trong các khu điều hành cuộc chiến với dịch bệnh Covid -19 khi nào thắng lợi họ mới trở về dù không có những lời ca, tiếng hát. Nhưng nụ cười con thơ, nụ cười trẻ nhỏ sẽ là món quà cuộc sống dành tặng với biết bao niềm mến thương.

HẢI SÂM – MINH DUY

Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn Đặc công D60 và các đơn vị lực lượng vũ trang khác hân hoan đi bầu cử
Liên kết website
Các Sở, Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 3347
Tuần này: 10213
Tháng này: 7851
Tổng truy cập: 8237285