Ấn tượng một chuyến đi

18/09/2023    Lượt xem: 339    In bài viết   Độ tương phản  

Sau gần hai giờ bay từ phi trường Tân Sơn Nhất đến sân bay Nội Bài, chúng tôi đã được hít thở cái không khí nồng nàn, ấm áp của vùng đất ngàn năm văn vật. Vì đêm qua Hà Nội có mưa nên không khí lúc này rất dễ chịu, không nắng rát và oi bức như những ngày trước đó. Sau khi ăn uống và về khách sạn nghỉ ngơi, ai cũng háo hức được đến thăm Lăng Bác ngay, nhưng vì thời gian buổi chiều quá ngắn nên mọi người đành hẹn đến sáng mai, dành thời gian còn lại trong ngày để tham quan các di tích lịch sử - văn hóa ở loanh quanh thủ đô Hà Nội như chùa Trấn Quốc, Văn Miếu Quốc Tử Giám…

Sáng ngày 25.5.2023, thời gian chờ đợi đã đến. Chúng tôi được xe đưa đến khu vực Quảng trường Ba Đình để làm thủ tục vào viếng Lăng Bác.

Vì đang là thời gian nghỉ hè nên khách thập phương và học sinh đến viếng Lăng Bác khá đông. Tuy nhiên, nhờ sự sắp xếp và tổ chức khoa học của Đội trật tự Ban quản lý lăng, nên đoàn chúng tôi cũng được di chuyển vào lăng một cách nhanh chóng, không phải chờ đợi quá lâu. Đường đi bộ từ cổng vào Lăng Bác tương đối xa. Giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, từ xa mọi người có thể nhìn thấy Lăng Bác hiện lên sừng sững với dòng chữ “Chủ tịch HỒ CHÍ MINH” bằng đá hồng, màu mận chin vô cùng nổi bật và ấn tượng giữa khoảng không gian rộng lớn.

Qua một chặng đường bộ hành, đoàn chúng tôi cũng tuần tự được bước vào phía trong lăng qua hai hàng cảnh vệ đứng nghiêm trang. Không khí trong lăng thật yên tĩnh, thanh tịnh và tôn nghiêm. Dòng người chầm chậm bước đi, mắt hướng về nơi Bác nằm an nghỉ. Bác nằm đó, bình yên trong giấc ngủ và nét mặt rạng ngời. Tim tôi như thắt lại, từng bước chân như cố gắng giữ lâu lại để mong được nhìn Bác nhiều hơn. Dòng người cứ chầm chậm, chầm chậm bước đi từng bước. Có lẽ tuy là mỗi con người đến đây từ mọi miền khác nhau, nhưng đều có chung một cảm xúc là lòng thành kính, niềm xúc động và bùi ngùi khôn tả.

Ảnh: Ban chấp hành Hội VHNT Bình Dương trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: VĐĐ)

Rời Lăng Bác trong bịn rịn, luyến lưu, chúng tôi sang tham quan khu vực nhà sàn Bác Hồ. Đi dưới những tàn cây râm mát, có “Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa”, có “Bụt mọc dầm chân đứng đợi ai” (Theo chân Bác – Tố Hữu)... Một cảm giác rất thoáng đãng, trong lành và nên thơ của làng quê Việt Nam như hiện ra trước mắt chúng tôi. Ngôi nhà sàn giản dị nằm giữa thủ đô Hà Nội là nơi Bác Hồ sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nơi đây đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa to lớn trong những thời điểm cuối cùng trong cuộc đời cách mạng của Bác.

Ngôi nhà sàn thể hiện rất rõ nếp sống thanh bạch và giản dị của Người. Giản dị là nét điển hình nhất, là đặc trưng tiêu biểu nhất cho phong cách Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, một bộ quần áo ka ki bạc màu, một đôi dép cao su sờn quai gót, một đôi guốc mộc chân quê…vẫn được gìn giữ nguyên vẹn nơi đây. Trong số những vật dụng Bác dùng, tôi ấn tượng nhất là chiếc đài bán dẫn đặt trên chiếc bàn nơi gian phòng nhỏ của Bác. Ông Trần Viết Hoàn, một người cận vệ thân tín của Bác, có lần đã kể rằng, Bác Hồ có ba chiếc đài, chiếc thứ nhất đặt ở phòng ngủ do Việt kiều Thái Lan gửi về biếu Bác. Một chiếc đài khác do lưu học sinh ở Hungary tự lắp ráp và gửi về biếu Bác, được đặt trên chiếc bàn nhỏ ở phòng ăn tại nhà 54. Còn một chiếc đài là chiến lợi phẩm do các chiến sĩ miền Nam thu được ở chiến thắng Phước Thành, do đoàn đại biểu quân dân miền Nam biếu Bác khi có dịp ra công tác ở thủ đô Hà Nội. chiếc đài này được đặt tại nhà 67. Hàng ngày nhìn thấy chiếc đài là Bác như thấy được đồng bào, chiến sĩ ở miền Nam. Và đây cũng là chiếc đài mà Bác Hồ đã nghe trong những ngày lâm bệnh.

Ảnh: Chiếc đài trong gian phòng nhỏ tại nhà sàn Bác Hồ, là chiến lợi phẩm do các chiến sĩ miền Nam thu được ở chiến thắng Phước Thành, do đoàn đại biểu quân dân miền Nam biếu Bác khi có dịp ra công tác ở thủ đô Hà Nội (Ảnh: VĐĐ)

Tháng 9 đã về, nhân kỷ niệm 62 năm chiến thắng Phước Thành (18/9/1961 – 18/9/2023), nhớ về chiếc đài bán dẫn năm xưa là chiến lợi phẩm mà quân và dân miền Nam đem ra biếu Bác, chúng ta không khỏi xúc động và tự hào về một chiến thắng lịch sử trên quê hương Bình Dương bất khuất, anh hùng.

Tỉnh Phước Thành cũ, nay là huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Cách đây 62 năm, vào đêm 17 rạng sáng 18/9/1961, các đơn vị tham gia chiến đấu của ta đã đồng loạt tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của địch, làm tan rã hoàn toàn lực lượng địch tại khu vực thị xã Phước Vĩnh, tỉnh Phước Thành (cũ).

Với chiến thắng Phước Thành, lần đầu tiên quân ta đã đánh chiếm được một tiểu khu, tỉnh lỵ của chính quyền Sài Gòn, chỉ cách trung tâm đầu não của địch 55km. Chiến thắng Phước Thành đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực quân khu và địa phương, tạo tiếng vang lớn cổ vũ cho phong trào cách mạng miền Đông Nam Bộ và phong trào cách mạng miền Nam phát triển lên một bước tiến mới.

Chiến thắng Phước Thành cũng tạo ra một cục diện thay đổi trên chiến trường miền Nam giai đoạn 1960 – 1965 và làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Chiến thắng Phước Thành mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.

Chuyến đi thực tế sáng tác của Ban chấp hành Hội VHNT Bình Dương vừa qua là một chuyến đi đầy kỷ niệm, nhưng đối với tôi ấn tượng nhất vẫn là chiếc đài trong căn phòng nhỏ tại nhà sàn Bác Hồ. Chiếc đài như người trợ thủ đắc lực của Bác, vì hàng ngày qua chiếc đài Bác biết rõ tình hình trong nước và quốc tế để có những quyết sách đúng đắn cho bước đi của cách mạng Việt Nam.

Tôi hình như còn nghe vọng lại hai câu thơ trong bài thơ Bác ơi của nhà thơ Tố Hữu khi hồi tưởng lại hình ảnh Bác ngồi trầm ngâm, suy tư bên chiếc đài bán dẫn.

Bác nghe từng bước trên tiền tuyến,

Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa …

Bút ký ĐIỀN VŨ

Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn Đặc công D60 và các đơn vị lực lượng vũ trang khác hân hoan đi bầu cử
Liên kết website
Các Sở, Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 3567
Tuần này: 10433
Tháng này: 8071
Tổng truy cập: 8237505