Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, việc sắp xếp và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã là một bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển toàn diện. Chủ trương lớn này đã được Đảng và Nhà nước chỉ đạo thực hiện đồng bộ trên toàn quốc và xã Phước Thành chính là một minh chứng rõ nét cho quyết tâm đổi mới, tinh gọn bộ máy, hướng tới một nền hành chính phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.
Ảnh: Cổng chào xã Phước Thành, thành phố Hồ Chí Minh được thay mới.
Xã Phước Thành được thành lập theo Nghị quyết số 1685/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở sáp nhập ba xã: Phước Sang, Tân Hiệp và An Thái, với tổng diện tích tự nhiên 123,49 km² và dân số 13.447 người. Đây không chỉ là sự hợp nhất về mặt hành chính, mà còn là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình của một vùng đất hướng tới phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại. Một trong những mục tiêu trọng tâm của việc sáp nhập các xã nhỏ là tinh gọn bộ máy, tránh trùng lặp chức năng giữa các cơ quan, tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu quả quản lý. Sau sáp nhập, xã Phước Thành đã xây dựng một hệ thống tổ chức thống nhất, đồng bộ và hợp lý với tổng cộng 92 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các khối chính: Khối Đảng gồm Văn phòng Đảng ủy, Ban Xây dựng Đảng và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, với 23 cán bộ; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có 13 cán bộ, đảm nhiệm công tác vận động, giám sát và phản biện xã hội; Chính quyền địa phương gồm HĐND, UBND xã, các phòng chuyên môn và Trung tâm Phục vụ Hành chính công, với 56 cán bộ và nhân sự hợp đồng. Cách tổ chức này không chỉ bảo đảm hiệu quả vận hành mà còn thể hiện tinh thần “tư duy quản lý mới”, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Ảnh: Trụ sở HĐND, UBND, các phòng chức năng và Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Phước Thành.
Với diện tích rộng lớn và dân số ổn định, Phước Thành có nhiều lợi thế trong quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Vùng đất này hứa hẹn trở thành trung tâm của các hoạt động nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ nông thôn như: du lịch sinh thái, nông sản sạch, làng nghề truyền thống. Đồng thời, mô hình hợp tác xã và chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng cũng sẽ được mở rộng. Nhờ vị trí tiếp giáp nhiều vùng kinh tế trọng điểm và hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh mẽ, xã còn có tiềm năng phát triển dịch vụ logistics nông nghiệp và thương mại nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp.
Ảnh: Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Phước Thành.
Việc bố trí lại trụ sở làm việc sau sáp nhập là một điểm nhấn, nhằm tận dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có và phân chia rõ ràng chức năng; theo đó trụ sở xã Tân Hiệp cũ là nơi làm việc của Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; trụ sở xã Phước Sang cũ là nơi đặt HĐND, UBND, các phòng chức năng và Trung tâm Phục vụ Hành chính công. Cách bố trí này giúp tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tránh chồng chéo chức năng, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân đến làm việc và giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, việc thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công cấp xã là bước tiến đột phá, giúp thực hiện mô hình "một cửa", "một cửa liên thông", rút ngắn thời gian xử lý, minh bạch hóa quy trình và nâng cao mức độ hài lòng của người dân.
Ảnh: Cổng chào xã Phước Thành, thành phố Hồ Chí Minh được thay mới.
Cùng với đó, xã Phước Thành cũng đang triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử cấp cơ sở, phù hợp với định hướng phát triển thành phố thông minh của TP. Hồ Chí Minh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, công bằng. Bên cạnh đó, xã cũng hướng tới chuyển đổi số trong quản lý nông nghiệp, từ giám sát quy trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng dữ liệu lớn và phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản, nhằm tạo dựng niềm tin và thương hiệu cho sản phẩm địa phương.
Ảnh: Khu công nghệ cao U&I nhìn từ trên cao.
Phát triển kinh tế - xã hội bền vững là mục tiêu xuyên suốt của xã Phước Thành với một số định hướng lớn bao gồm: phát huy thế mạnh nông nghiệp truyền thống kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật; quy hoạch vùng chuyên canh; thúc đẩy mô hình nông nghiệp hữu cơ, thông minh; và liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định. Xã ưu tiên xây dựng hệ thống giao thông liên xã; hạ tầng điện, nước, viễn thông, trường học và y tế đặc biệt ở các khu vực khó khăn, nhằm bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Các mô hình du lịch trải nghiệm, làng nghề truyền thống và chợ nông sản sạch cũng sẽ được đẩy mạnh, nhằm khai thác lợi thế về cảnh quan, văn hóa và sản phẩm địa phương, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm tại chỗ cho người dân.
Ảnh: Công nhân trang trại Công ty Cổ phần Vinamit được xem là trang trại đầu tiên đạt chuẩn hữu cơ (organic), sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Một trong những trụ cột thành công của xã Phước Thành là công tác xây dựng Đảng và phát huy dân chủ ở cơ sở. Đảng bộ xã không ngừng củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự, sống văn minh – tiết kiệm – nhân ái. Chính sự đồng thuận và ủng hộ từ nhân dân là nền tảng vững chắc để xã Phước Thành triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển.
Ảnh: Công ty Anova Agri Bình Dương đang tạo động lực cho ngành chăn nuôi địa phương chuyển dịch từ ngành chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hiện đại.
Việc thành lập xã Phước Thành không chỉ là bước đi về mặt hành chính, mà còn là cú hích cho sự phát triển toàn diện, mở ra một thời kỳ mới cho vùng đất giàu truyền thống. Với bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả, chiến lược phát triển đồng bộ, hệ thống chính trị vững mạnh cùng sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, xã Phước Thành hứa hẹn sẽ trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.
Minh Duy