image banner
   

Rộn ràng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây tại chùa Tông Kim Quang – xã An Bình – huyện Phú Giáo

Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 88

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Khmer. Đây là dịp quan trọng, mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới với niềm tin, khát vọng, cùng lời cầu chúc cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc và vạn sự tốt lành. Tết cũng là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo, tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong sắc nắng đầu hạ, khi những cánh đồng xanh mướt rì rào trong làn gió nhẹ, đồng bào dân tộc Khmer lại háo hức đón mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây lễ hội lớn nhất trong năm, mang theo bao khát vọng và niềm tin cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Tại chùa Tông Kim Quang - xã An Bình - huyện Phú Giáo, ngôi chùa Khmer đầu tiên của tỉnh Bình Dương, không khí Tết năm nay rộn ràng hơn bao giờ hết, lan tỏa tinh thần đoàn kết dân tộc và đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

“Chôl Chnăm Thmây” theo tiếng Khmer có nghĩa là “vào năm mới”, là dịp để người Khmer tiễn biệt năm cũ, đón chào năm mới với nhiều hy vọng. Diễn ra vào giữa tháng 4 Dương lịch hằng năm, thời điểm chuyển mùa, khi mùa khô kết thúc và mùa mưa bắt đầu, Tết mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, gắn liền với quan niệm về sự tái sinh, làm mới đời sống tinh thần và khởi đầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình bình an. Tết Chôl Chnăm Thmây kéo dài trong 3 ngày với ba nghi lễ chính: Mahasangkran (ngày đầu năm mới), Vônabot (ngày làm phước) và Thgnai Laeung Sak (ngày tắm tượng Phật, tiễn năm cũ). Mỗi nghi lễ đều gắn liền với các nghi thức truyền thống như dọn dẹp nhà cửa, dâng lễ vật, đi chùa nghe kinh, tắm Phật, cầu phúc và tưởng nhớ tổ tiên – thể hiện đời sống tâm linh phong phú, sự hiếu kính và tri ân cội nguồn của người Khmer.

anh tin bai

  Ảnh: Đồng bào dân tộc Khmer chơi nhạc cụ truyền thống

Tại xã An Bình, huyện Phú Giáo nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, chùa Tông Kim Quang không chỉ là trung tâm tín ngưỡng mà còn là nơi hội tụ văn hóa, gắn kết cộng đồng. Trong những ngày đầu Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, từ sáng sớm, hàng trăm Phật tử và bà con Khmer trong trang phục truyền thống sặc sỡ đã tề tựu đông đủ tại chùa, cùng nhau thực hiện các nghi thức trang nghiêm, thành kính đón mừng năm mới. Tiếng trống, tiếng nhạc ngũ âm vang vọng xen lẫn tiếng cười nói vui vẻ khiến không gian chùa trở nên rộn ràng, ấm cúng. Nét đặc sắc trong không khí Tết tại đây là sự hòa quyện của nhiều sắc tộc. Bên cạnh người Khmer, còn có người Kinh, người Hoa, và các dân tộc thiểu số như Nùng, Tày, Mường, X’tiêng, Thái, Sán Dìu, Ê Đê… cùng nhau đến chùa, cầu an và chia sẻ niềm vui đầu xuân.

anh tin bai

Ảnh: Đồng bào dân tộc Khmer thể hiện điệu nhảy truyền thống

Chia sẻ trong niềm hân hoan, anh Thạch Minh Trường, đến từ TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương xúc động nói: “Được về chùa trong những ngày Tết cổ truyền, gặp lại người thân, được nghe tiếng nhạc dân tộc, được cùng tụng kinh cầu phúc, lòng mình như được thanh lọc. Mỗi năm, Tết Chôl Chnăm Thmây là dịp để bà con đoàn tụ, trao gửi yêu thương, gìn giữ văn hóa Khmer giữa lòng đất Bình Dương.”

anh tin bai

Ảnh: Thực hiện nghi thức cầu an cho người dân đồng bào dân tộc Khmer

Không chỉ là nơi tổ chức các nghi lễ Phật giáo, chùa Tông Kim Quang còn là điểm tựa tinh thần, nơi duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Dưới sự trụ trì của Đại đức Châu Hoài Thái, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Tông Kim Quang, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương, chùa không ngừng đổi mới để vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, vừa phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng. Đại đức chia sẻ: “Chùa là mái nhà chung cho mọi người. Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ là lễ hội của người Khmer mà còn là dịp để gắn kết cộng đồng, lan tỏa tình đoàn kết dân tộc. Chúng tôi luôn khuyến khích bà con giữ gìn tiếng nói, trang phục, nhạc cụ truyền thống; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ trân trọng bản sắc văn hóa của dân tộc mình.”

anh tin bai

Ảnh: Lãnh đạo huyện Phú Giáo thăm và tặng quà chư tăng, phật tử Chùa Tông Kim Quang nhân dịp nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2025

Không khí Tết tại chùa vì thế không chỉ thiêng liêng mà còn sống động với các hoạt động như múa truyền thống, biểu diễn nghệ thuật dân gian, trò chơi dân tộc và giao lưu văn hóa – tạo nên một không gian rực rỡ sắc màu văn hóa vùng Nam Bộ. Xã An Bình hiện có gần 1.100 người dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 6% dân số toàn xã. Trong đó, người Khmer chiếm đa số với gần 1.000 nhân khẩu. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện. Người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện thuận lợi trong học tập, y tế, nhà ở và sinh kế.

Ông Ngưu Bư, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo cho biết: “Ngày xưa, Tết còn đơn sơ lắm. Giờ thì đầy đủ hơn, bà con được hỗ trợ nhiều thứ. Nhà nào cũng có điều kiện đón Tết, trẻ con được học hành, người lớn thì có công ăn việc làm. Chùa Tông Kim Quang cũng khang trang hơn, trở thành điểm đến của nhiều người, không phân biệt dân tộc.”

anh tin bai

Ảnh: Lãnh đạo huyện Phú Giáo thăm và tặng quà người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer nhân dịp nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2025

Tết không chỉ là dịp vui chơi, mà còn là cơ hội để tổng kết một năm nỗ lực và hướng tới tương lai. Bà con Khmer nơi đây tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo vệ môi trường, gìn giữ phong tục tốt đẹp, góp phần xây dựng quê hương An Bình ngày càng giàu đẹp. Trong bối cảnh hội nhập, việc gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc là điều hết sức quan trọng. Lễ Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây không chỉ là một nét đẹp riêng của người Khmer, mà còn là một phần không thể tách rời trong bức tranh văn hóa Việt Nam đa sắc tộc. Sự hiện diện đông đảo của các dân tộc khác trong lễ Tết năm nay chính là minh chứng sinh động cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc – một truyền thống quý báu được hun đúc qua bao thế hệ.

Từ chùa Tông Kim Quang, lời kinh vang lên trong gió như lời chúc năm mới an lành đến mọi người. Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ thắp lên niềm tin, mà còn tiếp thêm động lực để người Khmer nói riêng và cộng đồng dân cư xã An Bình nói chung cùng nhau xây dựng cuộc sống mới – văn minh, đậm đà bản sắc và bền vững. Với sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, cùng tinh thần gắn bó của cộng đồng các dân tộc anh em, Tết Chôl Chnăm Thmây tại xã An Bình không chỉ là ngày hội của người Khmer, mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, nghĩa tình và phát triển bền vững trên quê hương Bình Dương.

Minh Duy

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Bản quyền thuộc Ủy ban nhân dân huyện Phú Giáo
Địa chỉ: đường Hùng Vương, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Điện thoại : 02743. 672 441    Fax : 02743. 672 578 
Email:  vpubphugiao@binhduong.gov.vn