Các chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2018

01/08/2018    Lượt xem: 637    In bài viết   Độ tương phản  

Thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm 

 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2018.

Theo đó, đối tượng liên kết giáo dục là: Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.

Cũng theo Nghị định này, thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không dài hơn thời hạn thuê đất.
 
Trong khi đó, thời hạn hoạt động của liên kết đào tạo, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không quá 5 năm, kể từ ngày phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm và không quá thời hạn thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết.

Tiêu chuẩn với viên chức ngành giáo dục nghề nghiệp

Thông tư 03/2018 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội có hiệu lực từ 1/8, quy định về tiêu chuẩn viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, viên chức lĩnh vực này phải tận tụy với công việc, thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có tinh thần đoàn kết, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp...

Thông tư cũng yêu cầu viên chức phải công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực người học; có đủ sức khỏe và lý lịch rõ ràng.

 Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường lên gần 100 triệu đồng

Có hiệu lực từ 10/8, Thông tư 56/2018 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan Trung ương thực hiện.

Cụ thể, với dự án công trình dân dụng, mức thu từ 8 đến 84 triệu đồng; dự án hạ tầng kỹ thuật từ 8,6 đến 86 triệu đồng; dự án nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi từ 8,8 đến 88 triệu đồng; dự án giao thông từ 9,2 đến 92 triệu đồng; dự án công nghiệp từ 9,6 đến 96 triệu đồng.

100% tiền phí thu được sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước.

Cấm chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu để cơ cấu nợ cho doanh nghiệp
 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2016/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 2/8/2018.

Theo đó, Thông tư quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Đồng thời, bãi bỏ quy định về các loại trái phiếu doanh nghiệp được mua.

Thông tư này cũng quy định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có thêm tối thiểu các nội dung như: Quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các dự án, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…; Quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực này.

Liên kết sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đến 10 tỷ đồng

Nghị định 98/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ 20/8, quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo Nghị định này, các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết (nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản...); tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.

Nhà nước cũng hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng (bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết...).

Các bên tham gia liên kết được hỗ trợ phải đáp ứng đồng thời điều kiện như: Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường...
 
Phát hiện tôm bơm tạp chất phải lập biên bản tại chỗ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 07/2018/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra tạp chất trong tôm và sản phẩm tôm. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 24/8/2018.

Theo đó, trường hợp tổ chức kiểm tra theo Đoàn, khi phát hiện vi phạm về tạp chất hoặc kết quả kiểm tra tại chỗ kết luận lô tôm có tạp chất, Trưởng đoàn kiểm tra phải lập biên bản vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Đồng thời, niêm phong tang vật phương tiện vi phạm hành chính.Niêm phong phải có dấu treo của Cơ quan kiểm tra, chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra và chữ ký của đại diện Cơ sở. 

Việc niêm phong phải được lập thành biên bản. Trong trường hợp không có chữ ký của đại diện cơ sở, niêm phong phải có chữ ký của người chứng kiến hoặc chữ ký của tất cả các thành viên trong đoàn và ghi rõ trong biên bản “đại diện cơ sở không ký niêm phong, biên bản”.

Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng cơ quan kiểm tra để ban hành quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi niêm phong.
 
Trường hợp kiểm tra viên được phân công kiểm tra độc lập, khi phát hiện vi phạm về tạp chất hoặc kết quả kiểm tra tại chỗ kết luận lô tôm có tập chất thì phải lập biên bản; báo cáo Thủ trưởng cơ quan kiểm tra để có biện pháp xử lý phù hợp.

Tăng mức trợ cấp cho người có công

Nghị định 99/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ 27/8 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng như sau:  Tăng mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ 1.417.000 đồng lên 1.515.000 đồng.

Với thay đổi trên, mức trợ cấp ưu đãi hàng tháng của người có công với cách mạng được điều chỉnh như sau: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 thuộc diện thoát ly được tăng 110.000 đồng, diện không thoát ly tăng 186.000 đồng.

Trợ cấp tiền tuất với thân nhân của một liệt sĩ là: 1.515.000 đồng mỗi tháng (tăng 98.000 đồng); trợ cấp tiền tuất với thân nhân của ba liệt sĩ trở lên là: 4.545.000 đồng mỗi tháng (tăng 294.000 đồng).

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng trợ cấp 1.270.000 đồng mỗi tháng (tăng 82.000 đồng); Thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hưởng phụ cấp 760.000 đồng mỗi tháng (tăng 49.000 đồng).

Điều chỉnh mức trợ cấp với cán bộ xã đã nghỉ việc

 

Theo Thông tư 08/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ, từ 01/07/2018, điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã già yếu nghỉ việc.

 

Cụ thể, mức trợ cấp hàng tháng từ 01/07/2018 của đối tượng nêu trên = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2018 x 1,0692.

 

Như vậy, mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là 1.974.000 đồng/tháng; đối với Phó bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 1.910.000 đồng/tháng. Các chức danh còn lại được hưởng trợ cấp 1.768.000 đồng/tháng.

 

Thông tư này ban hành ngày 28/06/2018, có hiệu lực từ ngày 15/08/2018.

Nguồn: VOH.COM.VN

Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn Đặc công D60 và các đơn vị lực lượng vũ trang khác hân hoan đi bầu cử
Liên kết website
Các Sở, Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 5287
Tuần này: 53694
Tháng này: 177846
Tổng truy cập: 6865065