Phú Giáo: Sau Tết các chợ trên địa bàn hoạt động trầm lắng

01/02/2023    Lượt xem: 327    In bài viết   Độ tương phản  

Vòng quanh các chợ truyền thống và cả các chợ trên địa bàn huyện Phú Giáo những ngày sau Tết. Điều chúng tôi ghi nhận là không khí mua bán tại các chợ khá ế ẩm. Tại chợ truyền thống An Linh, dù ngày 7 Tết nhưng người bán, người mua vẫn còn khá ít. Chị Trần Thị Hằng, một tiểu thương buôn bán trái cây cho biết: Năm nay do tình hình khó khăn của kinh tế, nên tiểu thương ở chợ “mở hàng” khá sớm. Mọi năm phải mồng 6 hoặc mồng 7 Tết việc mua bán ở chợ mới trở lại và tấp nập. Nhưng năm này, nhiều tiểu thương mồng 3 Tết đã “khai chợ”; có người mồng 2 Tết đã bán. Điều đáng nói đó là sức mua của người dân khá yếu, khoảng 60% đến 70% so với ngày thường. Giá cả các mặt hàng như thịt heo, rau, củ, quả, trái cây còn neo khá cao. Có một số mặt hàng như cá, tôm, khô giá tăng mạnh so với trước Tết cỡ vài chục ngàn 1kg. Theo chị Hằng việc các mặt hàng cá, tôm, khô tăng cao cũng hợp lý so với thực tế sau Tết của những năm trước do nhu cầu sử dụng của người dân và nguồn cung còn hạn chế do Tết. Với mặt hàng trái cây như chị, dù có bán được lai rai, nhưng nhìn chung năm nay tình hình buôn bán có vẻ khó khăn hơn rất nhiều.

Ảnh: Các chợ trên địa bàn huyện Phú Giáo hoạt động trầm lắng sau Tết Nguyên Đán Quý Mão, năm 2023. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại chợ An Linh

Chị Nguyễn Thị Huệ, một tiểu thương buôn bán các mặt hàng cá nước nước ngọt, cá sông tại chợ An Linh cho biết thêm: Dù mặt hàng chị bán có tăng giá so với trước Tết, nhưng lượng hàng bán ra chậm hơn so với những năm trước. Trong khi đó giá cả lại tăng. Là tiểu thương chúng tôi mua vào giá cao thì cũng bán cao, giá hạ chúng tôi cũng bán hạ. Không phải chúng tôi đẩy giá để kiếm tiền không chính đáng. Mà do nguồn cung hạn chế, giá cả đầu vào tăng, nên chúng tôi bán tăng. Hy vọng ít bữa nữa giá cả sẽ giảm để kích thích người dân mua. Chứ giá cao, người dân mua ít, tiểu thương buôn bán như chúng tôi cũng bất lợi. Bởi hàng hóa bán ra ít, thì sẽ bị tồn nhiều, gây thiệt hại nhiều hơn. Không chỉ mặt hàng cá, tôm tươi sống, mặt hàng khô giá cao. Mà rau, củ, quả cũng còn cao, giữ giá từ trong Tết. Là tiểu thương, nhưng bản thân chúng tôi cũng là người tiêu dùng; nên chúng tôi cũng mong muốn giá cả sẽ hạ để kích cầu mua bán của người dân.

Tại chợ truyền thống Tân Long, hoạt động mua bán sau Tết Quý Mão cũng khá trầm lắng. Cô Lê Thị Tình, tiểu thương buôn bán rau, củ tại chợ cho biết: Năm nay tình hình buôn bán chậm, giá cả các mặt hàng đều ở mức trong Tết, riêng mặt hàng rau, củ giá có xuống so với trước Tết nhưng vẫn còn cao. Như dưa leo, các loại rau sống, rau gia vị giá dao động từ 25 ngàn đến 30 ngàn đồng/kg. Giá này đã giảm rất nhiều so với thời điểm Tết từ 35 ngàn đến 40 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, với giá này so với mặt bằng ở nông thôn còn cao. Nên việc buôn bán của Tiểu thương chúng tôi còn rất chậm. Người dân có đi mua, nhưng chỉ mua chút ít và thay vì mua tập trung một hàng. Nay người mua hàng mua của nhiều người bán, chắc do tâm lý người mua sợ chúng tôi đẩy giá lên cao. Chúng tôi mong muốn giá đầu vào hạ để còn làm ăn được, chứ giá cao khó buôn bán lắm. Tình hình năm dự báo chắc là khó bán buôn; bởi mọi năm chỉ khoảng mồng 6 hay mồng 7 việc mua bán đã rất nhộn nhịp và bán được lượng hàng hóa khá nhiều.

Ảnh: Hoạt động chợ Tân Long sau Tết Nguyên Đán Quý Mão, năm 2023.

Ông Vương Ngọc Mão, người mua hàng tại chợ Tân Long cho biết: Ông chưa thấy năm nào giá cả hàng hóa neo cao như sau Tết năm nay. Người dân chúng tôi thì khó khăn thu nhập, trong khi giá hàng hóa cứ đứng trên cao như dịp Tết. Với giá này, thôi thì biện pháp duy nhất hạn chế mua, mua ít, mua vừa đủ nhu cầu cho bữa ăn. Chứ không dám mua nhiều. Cứ nghe nói giá giảm, giá bình ổn, mà có thấy. Đến cả 10 ngày sau Tết mà cứ như những ngày cao điểm Tết thì cũng khó cho người dân chúng tôi. Nói chung người tiêu dùng cũng khó khăn và tiểu thương cũng khó khăn. Ngồi buôn bán vậy chứ cũng có ít người mua. Từ Tết ra đến nay, ngày nào ông cũng đi chợ, nên tình hình buôn bán, giá cả thế nào ông đều nắm được. Chỉ hy vọng vài ngày tới giá cả hàng hóa giảm xuống để người dân được nhờ.

Tại chợ truyền thống Phước Vĩnh, dù là chợ Trung tâm của huyện Phú Giáo; nhưng hoạt động mua bán cũng ảm đảm không kém các chợ Nông thôn, chợ tạm trên địa bàn huyện. Chỉ tay ra khu vực trước sạp hàng của mình, chị Nguyễn Thị Lệ Chi, Tiểu thương buôn bán quần áo trong nhà lồng chợ Phước Vĩnh ngán ngẩm cho biết: Năm nay hoạt động buôn bán trong khu vực chợ diễn ra kém sôi nổi hơn hẳn các dịp sau Tết những năm trước. Nguyên khu vực phía trước sạp hàng của chị những ngày bình thường, tầm 8, 9 giờ sáng đông kín người mua bán, nguyên tuyến đường đi qua khu vực này nêm chặt người bán, người mua. Nhưng Tết năm nay đã là mồng 9 Tết mà người mua, người bán chỉ lèo tèo. Hàng hóa thì chỉ như bán cho có lệ; trong khi đó giá cả ở mức còn cao. Các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng hàng ngày đã ảm đạm vậy, nên mặt hàng quần áo của các tiểu thương như chị càng ảm đạm hơn. Theo chị Chi chia sẻ thì thường các mặt hàng quần áo như của chị ra Tết ảm đảm cũng đúng với nhu cầu của người tiêu dùng. Bởi hầu hết việc mua bán đều diễn ra trước Tết. Biết là vậy, nhưng vì nhớ chợ, nhớ bạn nên chị cũng ra mở hàng cho vui. Chứ ngồi nhà buồn không biết làm gì luôn. Nhưng các mặt hàng rau, củ… mà trầm lắng thì đây là năm rất lạ. Người mua, người bán chỉ lèo tèo, chắc chưa được 60% so với ngày thường. Tâm lý của Tiểu thương chúng tôi cũng mong giá cả hàng hóa xuống thấp mới dễ dàng làm ăn. Chứ giá cứ neo cao, thì người tiêu dùng sẽ xiết chặt chi tiêu, lượng hàng hóa càng bán ra chậm, thì tiểu thương càng thất thu, càng khó khăn hơn.

Ảnh: Hoạt động chợ Phước Vĩnh sau Tết Nguyên Đán Quý Mão, năm 2023.

Ông Lê Thanh Bình, Phó trưởng Ban quản lý chợ Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo cho biết: Tình hình buôn bán của các Tiểu thương chợ Phước Vĩnh Tết Quý Mão này hết sức ảm đảm. Trước Tết sức mua đã thấp, sau Tết này còn thấp hơn. Những năm trước mồng 3, mồng 4 Tết các Tiểu thương đã buôn bán trở lại và hoạt động buôn bán sau Tết đến ngày mồng 6 Tết đã rất nhộn nhịp, đạt khoảng trên 90% công suất so với ngày thường. Tuy nhiên, cùng thời điểm mồng 9 Tết năm nay, việc mua bán của các Tiểu thương trong chợ chỉ đạt khoảng 80% so với những năm trước. Sức mua thấp, giá cả hàng hóa sau Tết này vẫn giữ nguyên mức giá trước Tết càng khiến cho tâm lý của các Tiểu thương khá e ngại mở hàng đầu năm. Tình hình này không biết đến Rằm tháng giêng đã ổn trở lại hay còn trầm lắng kéo dài. Buôn bán của Tiểu thương có nhộn nhịp trở lại mới kích cầu sự phát triển của kinh tế, thương mại của địa phương. Chúng tôi cũng chỉ hy vọng hoạt động buôn bán tại chợ sớm hồi phục. Bởi đây là chợ Trung tâm, sự sôi động của chợ Phước Vĩnh sẽ là tiền đề cho các chợ trên địa bàn huyện sôi động hơn.

Không chỉ các chợ truyền thống, các chợ tạm, các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn huyện cũng ở trạng thái trầm lắng bởi những ảnh hưởng của kinh tế trong năm 2022 và những dự báo khó khăn năm 2023 này. Tại các chợ tạm như An Bình, An Thái, Tân Hiệp đều cùng chung một khung cảnh đìu hiu sau Tết. Bà Đỗ Thị Tim, người dân xã An Thái cho biết: Dù không buôn bán thường xuyên tại chợ tạm An Thái; nhưng năm nào sau Tết bà cũng cố gắng kiếm vài món hàng bán để lấy may; cũng vừa là dịp để “tám chuyện” đầu năm với mọi người cho vui. Những năm trước kia, hàng hóa về chợ những ngày đầu năm mới khá dồi dào, người bán, người mua khá là xôm tụ. Buôn bán đầu năm cũng được ít lộc. Nhưng năm nay khá đìu hiu. Người bán thì nhìn nhau, người mua thì thưa vắng, giá rỗ thì cứ đứng trên cao nên rất khó cho việc bán buôn của người dân, kể cả những người bán hàng “cây nhà, lá vườn”. Tình hình khó khăn chung, điều người mua, cũng như người bán mong muốn đó là giá cả sẽ giảm so với trước Tết để tất cả đều dễ thở hơn.

Một năm được dự báo khó khăn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện Phú Giáo; trong đó có các hoạt động buôn bán hàng hóa tại các chợ trên địa bàn huyện được báo hiệu qua hoạt động mua bán ngay từ những ngày đầu năm mới. Hy vọng trong thời gian tới, tình hình buôn bán của tiểu thương và người dân tại các chợ trên địa bàn huyện có những bước đột phá khả quan hơn. Qua đó góp phần tích cực vào quá trình kích cầu hoạt động thương mại, tình hình kinh tế của địa phương. Tạo xung lực và đà phát triển đưa hoạt động thương mại, dịch vụ trở thành đầu tàu quá trình phát triển.

HẢI SÂM

Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn Đặc công D60 và các đơn vị lực lượng vũ trang khác hân hoan đi bầu cử
Liên kết website
Các Sở, Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 5720
Tuần này: 64787
Tháng này: 772514
Tổng truy cập: 7648348