Chiến thắng Phước Thành, phát đạn vạch đường phong trào cách mạng miền Nam.

19/09/2021    Lượt xem: 3002    In bài viết   Độ tương phản  

Tháng 9-1961, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Miền Đông quyết định tiến công vào tỉnh lỵ Phước Thành của địch nhằm phá tan ý đồ bao vây chia cắt chiến khu, đánh phủ đầu vào ý đồ bình định Miền Nam trong vòng 18 tháng của địch. Trong điều kiện tỉnh Phước Thành vừa được thành lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Thủ Biên cũ, do yêu cầu mới của tình hình chiến trường. Khi Phước Thành nhận nhiệm vụ mọi mặt còn mỏng, yếu; nhưng với ý chí và quyết tâm cao là tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ tiểu khu, giải thoát tù chính trị; Phước Thành đã ra sức củng cố, kiện toàn xây dựng lực lượng phong trào du kích chiến tranh, 3 mũi giáp công liên tục diệt ác phá kiềm, ngăn chặn địch hành quân càn quét, lấn chiếm chiến khu Đ. Sau khi điều nghiên chu đáo tình hình chiến trường, ban chỉ huy trận đánh Phước Thành đã được thành lập: đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến (Tám Kiến Quốc) làm chỉ huy trưởng. Lực lượng tham chiến gồm tiểu đoàn 500 của Khu, đại đội 260 đặc công, trinh sát của Miền, phân đội pháo ĐKZ cùng lực lượng địa phương tỉnh Phước Thành và quận Phú Giáo, đội biệt động thị xã Phước Vĩnh và du kích các xã chung quanh. 22 giờ 30 phút ngày 17 tháng 9 năm 1961, các mũi tiến công chiếm lĩnh trận địa xong, áp sát mục tiêu và sẵn sàng đợi lệnh chiến đấu.

Đúng 23 giờ đêm ngày 17/9/1961, tiếng nổ long trời của quả bộc phá 12 kg làm sập một góc nhà Dinh tỉnh trưởng, phát lệnh tiến công. Các mũi tiến công ào ạt xông lên, đánh chiếm các mục tiêu. Ngay trong 10 phút đầu, ta tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng của địch và chiếm lĩnh dinh tỉnh trưởng. Tên tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn bị bắn chết. Tên tỉnh phó và vợ tên Mẫn cùng một số công chức hành chánh bị bắt. Hoàn thành nhanh gọn mục tiêu chính, các chiến sĩ đại đội 59 chia thành ba mũi: một mũi đánh vào khu biệt động quân chi viện cho đại đội 80, một mũi phối hợp với đại đội 260 đánh vào khu đóng quân của đại đội bảo an, chi đội thiết giáp và kho xăng dầu, một mũi đánh vào trại giam giải thoát 300 tù nhân chính trị.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiến công ở các hướng, các mũi tập trung lực lượng tiêu diệt hoàn toàn bọn biệt động quân. Đến 1 giờ 30 phút ngày 18 tháng 9 năm 1961 trận đánh kết thúc thắng lợi. Ba giờ sau, lực lượng chiến thắng ở Phước Thành cùng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ bị giam giữ được giải thoát rút lui về căn cứ an toàn. Kết quả trận đánh, ta đã tiêu diệt và làm tan rã một tiểu đoàn biệt động quân, một đại đội bảo an một chi đội thiết giáp, một đại đội cảnh sát và một tổng đoàn dân vệ, 300 địch bị diệt, bị bắt tại chỗ. Ta phá hỏng 3 đại bác 105 ly, 6 xe quân sự và 5 xe thiết giáp thu hơn 600 súng các loại và nhiều đồ quân sự, giải thoát 300 tù nhân chính trị. Chiến thắng Phước Thành vang dội đã làm nức lòng quân và dân ta. Nếu trận Tua Hai ở Tây Ninh ngày 24/01/1960 là trận tấn công đầu tiên của quân giải phóng vào một căn cứ quân sự cấp trung đoàn của địch từ khi nhân dân ta vùng lên trong phong trào đồng khởi thì Chiến thắng Phước Thành có ý nghĩa vô cùng to lớn khi lần đầu tiên quân, dân miền Nam ta tấn công giải phóng một Tỉnh lỵ của địch, đập tan bộ máy kềm kẹp của địch.

Đánh phủ đầu vào âm mưu chia cắt chiến khu Đ của địch, báo hiệu sự phá sản của kế hoạch Stalây-Taylơ thường được gọi là chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trên chiến trường Miền Nam Việt Nam. Thắng lợi này không chỉ có ý nghĩa to lớn về tiêu diệt lực lượng quân sự địch mà còn có tác dụng cỗ vũ không những đối với phong trào cách mạng miền Đông nam bộ mà còn lan tỏa khắp miền Nam Việt Nam. Chiến thắng Phước Thành là sự kết hợp đúng đắn đường lối chính trị quân sự sáng tạo của Đảng ta; là kết tinh của tài trí và tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của các lực lượng võ trang cách mạng. Đó là phát đạn vạch đường cho cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ về mọi mặt.

Chiến thắng Phước Thành là nỗi kinh hoàng của ngụy quân, ngụy quyền lúc bấy giờ; là một tin sét đánh đối với Chính phủ Ken- nơ-đy và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ. Trận đánh lịch sử này đã tạo nên một cục diện mới mà nhiều tướng lĩnh Mỹ khi nói về chiến tranh Việt Nam đều nhắc đến trận Phước Thành. Tướng Oét-mo-len trong hồi ký “Một quân nhân tường trình” đã thú nhận: Mùa thu năm 1961 đã chứng kiến một bước đầu tiên họ tạm thời chiếm được tỉnh lỵ Phước Thành. Tài liệu mật Lầu Năm Góc của Mỹ cũng xác nhận: Trận tiến công lớn nhất có tác dụng làm cho Sài Gòn nhốn nháo là trận đánh chiếm Phước Thành, một tỉnh lỵ cách Sài Gòn 55km; và thực sự chiến thắng Phước Thành là tiếng còi báo hiệu sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ áp dụng tại Việt Nam giai đoạn 1960- 1965. Từ thế bị động trên chiến trường quân và dân ta dần dần chuyển sang thế chủ động, làm thất bại mọi âm mưu của Mỹ - ngụy.

60 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng Phước Thành đã đi vào lịch sử, quê hương đất nước như một bản anh hùng ca bất diệt, mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân tỉnh Phước Thành năm xưa và của các thế hệ hôm nay. Chiến thắng ấy đã xoá sổ một tỉnh lỵ đầu tiên của chính quyền Sài Gòn trên bản đồ hành chính, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của chủ nghĩa thực dân mới ở miền nam Việt Nam, tạo tiền đề cho những chiến công tiếp nối chiến công của cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền nam ngày 30/4/1975 và thống nhất đất nước.

Những ngày mùa thu tháng 09 lịch sử này, trong ký ức của niềm vui chiến thắng, Đảng bộ huyện Phú Giáo long trọng tổ chức lễ dâng hoa, đâng hương kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Phước Thành,thể hiện sự biết ơn, lòng tôn kính và tri ân của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Phú Giáo đối với công lao của các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung và bảo vệ quê hương Phước Thành xưa, Phú Giáo hôm nay. Khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc đối với thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha ông trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước và ghi nhận những thành tựu của huyện Phú Giáo qua hơn 22 năm tái lập. Nhiều người lại nhớ đến chiến công hào hùng của các thế hệ cha ông trên đất Phước Thành xưa. Về với vùng đất xanh bạt ngàn Phú Giáo hôm nay, mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước sức bật đáng nể của vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Điểm nổi bật tạo ra sự thay đổi diện mạo của huyện Phú Giáo hôm nay là kết cấu hạ tầng kinh tế được tập trung đầu tư với tốc độ nhanh, huyện đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, phát huy truyền thống quang vinh muôn thuở và hào khí của Phước Thành; Đảng bộ, chính quyền cùng người dân nơi đây kiên trì đảm bảo các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả với sự kiên cường, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, giữ vững vùng xanh an toàn, đưa huyện Phú Giáo cùng tỉnh Bình Dương và cả nước trở lại tình trạng bình thường mới và ngày càng vươn mình phát triển giàu đẹp, văn minh hơn.

Chí Huy

Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn Đặc công D60 và các đơn vị lực lượng vũ trang khác hân hoan đi bầu cử
Liên kết website
Các Sở, Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 1849
Tuần này: 58119
Tháng này: 703494
Tổng truy cập: 7579328