Đồng bào Khmer xã An Bình: Đời sống nhiều đổi thay

02/12/2019    Lượt xem: 2078    In bài viết   Độ tương phản  

Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo cho biết: Xã An Bình là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số; với 265 hộ, hơn 1.034 nhân khẩu. Trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ đông nhất, với 235 hộ, với 922 nhân khẩu và sống tập trung tại ấp Nước Vàng và ấp Tân Thịnh. Trong suốt những năm qua, Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm đến đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc Khmer của xã. Trong đó có chính sách cấp đất cho đồng bào dân tộc ổn định sản xuất. Sau hơn 15 năm thực hiện dự án này, những hộ dân được Đảng, nhà nước cấp đất đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ, từ đó nhiều hộ dân đã vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo. Có thể khẳng định đây là một chính sách đúng đắn của Đảng, nhà nước không chỉ góp phần ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số của xã, mà còn góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương

Một yếu tố quyết định đến đời sống của người dân đồng bào Khmer xã An Bình đó là bên cạnh việc được nhận các chính sách hỗ trợ, thì ý thức của đồng bào đã có nhiều thay đổi và nâng lên. Họ không còn trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà đã cố gắng lao động, sản xuất. Họ đã ý thức hơn về phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa gia đình theo hướng văn minh. Chính vì vậy trong những năm gần đây đời sống của đồng bào dân tộc Khmer An Bình đã được nâng lên rõ rệt, có những hộ đã vươn lên làm giàu. Và trong các yếu tố góp phần vào việc nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào Khmer phải kể đến vai trò của khu tái định canh Suối Sai.

Vào một chiều những ngày cuối cuối tháng 6 vừa qua, chúng tôi vượt quãng đường trên 10km từ trung tâm xã để đến với khu tái định canh Suối Giai, tại ấp Gia Biện của xã Tam Lập. Trong cái nắng mùa hè rát bỏng của vùng đất miền Đông Nam Bộ đã được giải nhiệt bởi sức sống của cả một vùng rộng lớn. Hơn 10 năm trước, chúng tôi có dịp đi theo đoàn lãnh đạo của tỉnh về khảo sát tình hình thực tế của vùng đất này, khi đó nơi đây chỉ mới là vùng đất trơ trọi với sỏi đỏ, sỏi cơm cùng bụi mù mịt, lác đác chỉ vài khoảng xanh cao su, điều và mì được người dân gieo trồng như để đánh dấu phần của mình. Vậy mà thấm thoát, đến nay cả một vùng đất rộng trên 100 ha giờ đây đã được phủ xanh bằng cây cao su, điều, mì. Hiện tại trong khu này đã có 112 hộ được cấp đất sản xuất với tổng diện tích được cấp là 116,2ha.

Dừng tay trò chuyện với chúng tôi, anh Thạch Khê, ngụ tại ấp Tân Thịnh là một trong những hộ dân được cấp đất tại đây cho biết: Trước đây khi chưa có đất, đời sống gia đình tôi rất khó khăn vì con cái đông, vốn sản xuất thì không có. Từ khi được Nhà nước cấp đất sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, phân bón, hướng dẫn sản xuất cho chúng tôi đời sống gia đình tôi đã đỡ vất vả hơn. Đến nay gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn có điều kiện lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. Dù chưa có của ăn, của để, nhưng đỡ vất vả hơn trước rồi. Đồng bào cảm ơn Đảng, cảm ơn nhà nước, cảm ơn cán bộ đã cho đồng bào đời sống ấm no như ngày hôm nay. Còn anh Kim Minh, ấp Nước Vàng, xã An Bình cho biết: Trước kia gia đình tôi có 3 ha đất, nhưng do là đất lấn chiếm không được cấp sổ đỏ, nên việc canh tác không thể yên tâm. Nhưng từ khi nhà nước thu hồi và cấp cho cho gia đình 1 ha đất, mặc dù đất ít hơn, nhưng lại được nhà nước cấp sổ đỏ nên gia đình mình yên tâm làm ăn, đầu tư phân bón, trồng cao su, rồi canh tác các loại cây trồng khác. Nhờ đó mà thu nhập của gia đình ngày càng được nâng lên; đến nay gia đình mình còn mua thêm được ít đất để ở. Mình vui lắm, không có Đảng, nhà nước chắc gia đình mình không có được như ngày hôm nay.

Ảnh: Từ sự quan tâm của Đảng, nhà nước đời sống đồng bào dân tộc Khmer xã An Bình đã đổi thay, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và trở thành khá, giàu. Trong ảnh: Anh Thạch Lu khai thác cao su của gia đình tại dự án định canh cho đồng bào dân tộc

Gia đình cô Kim Thị Nguyệt, ngụ ấp Tân Thịnh, xã An Bình là một trong những hộ vươn lên khá giàu từ sự hỗ trợ cấp đất sản xuất của nhà nước cho đồng bào dân tộc tại khu tái định canh. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, cô Nguyệt khoe: Hơn chục năm, gia đình tôi chẳng bao giờ dám mơ đến ngôi nhà khang trang, vững chãi như ngày hôm nay, càng không dám nghĩ đến việc con cái mình có thể ổn định cuộc sống khi mà cả gia đình ngoài miếng đất ở hiện nay tại ấp Tân Thịnh thì tất cả vợ chồng, con cái đều sống bằng việc làm mướn, sống trong căn nhà vách đất lụp sụp hiện vẫn còn được gia đình giữ làm kỉ niệm. Nhưng kể từ ngày được Đảng, nhà nước quan tâm xét cấp cho gia đình 1ha đất sản xuất ở khu tái định canh của đồng bào, cuộc sống của gia đình tôi đã khá hơn. Có đất sản xuất, gia đình đã mạnh dạn xin vay vốn của nhà nước để đầu tư trồng cao su. Sau bao nỗi nhọc nhằn, gia đình cũng đã thu về quả ngọt. Cao su đã cho gia đình thu hoạch được mấy năm rồi, điều quan trọng là từ đó các con của tôi cũng tự tin hơn vươn lên trong cuộc sống, có công ăn việc làm ổn định, trưởng thành. Năm 2015, gia đình tôi đã xây dựng căn nhà cấp 4 khang trang, với trị giá hơn 200 triệu đồng. Đạt được những kết quả trên cũng chính là nhờ sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với đồng bào dân tộc, nhất là hộ nghèo như gia đình chúng tôi”.

Ảnh: Gia đình cô Kim Thị Nguyệt, ngụ ấp Tân Thịnh, xã An Bình đổi thay nhờ được hưởng lợi từ dự án định canh, định cư cho đồng bào dân tộc của Đảng, nhà nước.

Với những thành quả từ đôi bàn tay cần cù của các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số xã An Bình đã và đang gặt hái ngày hôm nay, chứng minh một chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước về chính sách ổn định đời sống cho đồng bào nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Đời sống của nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo xã An Bình nói riêng đang đổi thay từng ngày ngay trên vùng đất dự án định canh tràn đầy sức sống. Những ngôi nhà khang trang, vững chãi đang dần thay thế những mái nhà tranh, vách đất, tạm bợ, lụp sụp của xóm đồng bào dân tộc thiểu số trước kia. Đời sống vật chất, tinh thần của các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số xã An Bình ngày càng thêm phong phú, giàu có hơn trên chính mảnh đất do mình làm chủ hôm nay. Và quan trọng hơn đã làm cho bộ mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số xã An Bình ngày càng ổn định và đổi thay góp phần lớn vào chính sách đại đoàn kết dân tộc ở địa phương. Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo thành trở thành hộ khá, giàu như các con cháu gia đình ông Ngưu Ngọt; gia đình cô Kim Thị Nguyệt; gia đình anh Kim Phước; gia đình anh Thạch Lu; gia đình chị Ngưu Thị Hạnh … Không chỉ thoát nghèo, làm giàu, nhiều gia đình còn lo cho con cái học hành thành đạt như gia đình ông Kim Niệm; gia đình chị Ngưu Thị Hạnh; gia đình anh Ngưu Tuấn …

Bên cạnh những đổi thay về vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer xã An Bình cũng có những đổi thay từ sự quan tâm chăm lo của chính quyền. Thời gian qua, chính quyền xã An Bình cũng rất chú trọng thực hiện việc chăm lo đời sồng văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân tộc Khmer. Công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu được đẩy mạnh đã giúp cho đời sống văn hóa của đồng bào Khmer tại đây được nâng lên. Đồng bào đã chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ví dụ như các gia đình đã hạn chế được việc sinh nở nhiều, chú ý đến việc học hành của con cái, công tác chăm sóc sửa khỏe cũng được các hộ gia đình đồng bào Khmer chú ý thực hiện. Đảng ủy, UBND xã An Bình cũng như các cấp, các ngành của tỉnh cũng luôn tạo điều kiện để các phong trào văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao của đồng bào phát triển. Hàng năm, trong các dịp lễ, tết, đồng bào còn được thăm hỏi tặng quà.

20 năm vượt qua những khó khăn của cuộc sống, đời sống của nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, những hộ đồng bào dân tộc Khmer xã An Bình nói riêng đang đổi thay từng ngày ngay trên vùng đất đầy sức sống. Những ngôi nhà khang trang, vững chãi đang dần thay thế những mái nhà tranh, vách đất, tạm bợ, lụp sụp của xóm đồng bào dân tộc thiểu số trước kia. Đời sống vật chất, tinh thần của các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số xã An Bình ngày càng thêm phong phú, giàu có hơn trên chính mảnh đất do mình làm chủ hôm nay. Và quan trọng hơn đã làm cho bộ mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số xã An Bình ngày càng ổn định và đổi thay góp phần lớn vào chính sách đại đoàn kết dân tộc ở địa phương. Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo cho biết thêm: Tuy là đã có những bước phát triển nhưng đời sống của một số hộ đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện công tác chăm lo cho đời sống của đồng bào theo hướng phát triển đồng đều cả đời sống vật chất lẫn tinh thần để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào Khmer xã.

HẢI SÂM

Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn Đặc công D60 và các đơn vị lực lượng vũ trang khác hân hoan đi bầu cử
Liên kết website
Các Sở, Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 179
Tuần này: 45908
Tháng này: 689434
Tổng truy cập: 7565268