Sự nghiệp truyền thanh Phú Giáo: Không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng đưa thông tin về cơ sở

02/12/2019    Lượt xem: 1792    In bài viết   Độ tương phản  

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập còn bộn bề khó khăn, thử thách, ông Lý Thành Công, Trưởng Đài truyền thanh huyện Phú Giáo cho biết: Năm 1999, huyện Phú Giáo được tái lập trên cơ sở tách ra từ huyện Tân Uyên và một phần của huyện Bến Cát, cũng là thời điểm Đài truyền thanh huyện Phú Giáo được thành lập. Từ đó, với nhiệm vụ rất nặng nề đó là kịp thời đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách của Đảng bộ, chính quyền huyện non trẻ, tạo sự đồng thuận và ủng hỗ của người dân. Trong bối cảnh và những yêu cầu đó, cũng như những cơ quan của huyện vừa mới tái lập, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của Đài thiếu thốn. Trụ sở chính chỉ là dãy nhà tiền chế tạm bợ; thêm một khó khăn nữa đó là hệ thống máy phát phục vụ việc truyền tải thông tin của đơn vị phải hoạt động nhờ của Đài truyền thanh thị trấn Phước Vĩnh. Cơ sở vật chất khó khăn đã là một trở lực lớn đối với loại hình báo nói – truyền thanh; cùng với đó là nhân lực, đội ngũ cán bộ, phóng viên khi đó chỉ có 3 người được điều chuyển từ Đài truyền thanh huyện Tân Uyên và hầu hết đều chưa được đào tạo chuyên sâu, chỉ có trình độ trung cấp, càng khiến cho hoạt động của đơn vị khó khăn gấp bội. Trong bối cảnh đó, chỉ những người yêu nghề, có máu với nghề mới có thể trụ nổi. Vậy mà thấm thoắt đã 20 năm, với sự quan tâm chỉ đạo trong định hướng tuyên truyền và đầu tư cơ sở vật chất của tỉnh, huyện, xã. Đến nay, hệ thống thanh đã từng bước hiện đại hóa phương thức hoạt động từ huyện đến cơ sở; cùng với đó là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, phóng viên, công tác thông tin, tuyên truyền của huyện đã từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, kịp thời đưa tiếng nói của Đảng, chính quyền với nhân dân và là cầu nối của người dân với Đảng, chính quyền, từng bước khẳng định tầm quan trọng của công tác truyền thanh cơ sở trong bối cảnh bùng nổ thông tin trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay.

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự phát triển chung của huyện nhà; Đài truyền thanh huyện Phú Giáo đã có những bước trưởng thành về mọi mặt; từ một Đài phát thanh còn nghèo nàn, đơn sơ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cho đến con người làm công tác chuyên môn hạn chế. Trong đó, trụ sở của Đài lúc đó chỉ là những phòng làm việc trong khu nhà tiền chế, với máy móc phục vụ chỉ là những thiết bị thô sơ, lạc hậu. Cả cơ quan chỉ có duy nhất một chiếc máy đánh chữ cơ để phục vụ cho việc tác nghiệp của phóng viên, xây dựng chương trình phát thanh và các nhiệm vụ chuyên môn khác. Phòng làm việc thì lãnh đạo, phóng viên, nhân viên cùng chung một căn phòng với đa chức năng; trong khi đó phòng chức năng dùng để xây dựng chương phát thanh thì phải mượn tạm trạm phát thanh của Đài truyền thanh Thị trấn Phước Vĩnh; việc thu phát chương trình được thực hiện bằng máy cassettle, chưa có những thiết bị chuyên dụng. Đội ngũ cán bộ, phóng viên vừa thiếu, vừa chưa đủ trình độ chuyên môn, mà chỉ làm việc với kinh nghiệm và niềm đam mê nghề nghiệp.

Hệ thống Đài truyền thanh cơ sở khi đó có 9/9 xã – thị trấn và hầu hết là hệ Đài truyền thanh có dây, công suất thấp từ 300W đến 500W, với số cụm loa được đầu tư, trang bị chỉ tập trung ở trung tâm xã, hoặc nơi đặt trạm truyền thanh nên tỷ lệ phủ sóng phát thanh đến người dân cũng thấp, chỉ khoảng 80 đến 85% người dân được tiếp cận thông tin, nhưng cũng không được thường xuyên và chất lượng kém. Thời điểm đó, toàn huyện chỉ có 3 xã vùng đặc thù của huyện được đầu tư trang bị theo chương trình mục tiêu đưa thông tin về cơ sở của Chính phủ là xã An Bình, với đặc thù địa bàn rộng, người đông, có đông đồng bào dân tộc; xã An Linh cùng với xã Vĩnh Hòa là những xã thuộc diện vùng khó khăn nên được đầu tư hệ thống loa truyền thanh không dây, nhưng công nghệ chưa được cải tiến, kĩ thuật kém; các cụm loa truyền thanh 100% được lắp đặt treo trên trụ điện thắp sáng, nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phát sóng và tỷ lệ phủ sóng cũng không được rộng rãi đến người dân. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác truyền thanh của Đài truyền thanh xã – thị trấn hầu hết không có trình độ chuyên môn, cũng không được đào tạo nghiệp vụ, mà chỉ là những cán bộ làm công tác kiêm nhiệm, tay ngang và chỉ thực hiện duy nhất một nhiệm vụ là tiếp âm phát sóng Đài cấp trên; nên chất lượng phục vụ công tác truyền thanh chưa cao, việc truyền tải thông tin đến người dân chưa tốt. Chưa có một định hướng về việc xây dựng một chương trình phát thanh riêng để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước ở địa phương đến người dân địa phương. Nên một sự bi quan đối với công tác truyền thanh của những người làm công tác truyền thanh lúc bấy giờ khó tránh khỏi.

Được sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo huyện; sau gần 10 năm đi vào hoạt động với sự tạm bợ về mọi mặt kĩ thuật. Năm 2007, Đài truyền thanh huyện được đầu tư xây dựng trụ sở mới khang trang, với đầy đủ các trang thiết bị kĩ thuật như hệ thống máy phát sóng và anten phát sóng tầm xa, các phòng chức năng, các phần mềm xây dựng phát thanh chuyên dụng đã tạo bước đột phá trong công tác truyền thanh của Đài trong thời gian qua. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn cũng ngày càng được đào tạo và chuẩn hóa. Từ một cơ quan chỉ có 3 người với trình độ chuyên môn còn chưa được qua đào tạo chuyên sâu, 100% chỉ có trình độ trung cấp. Đến nay Đài đã có một đội ngũ cán bộ, phóng viên cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ. Toàn đơn vị có 8 cán bộ, phóng viên, kĩ thuật viên, với 6/8 người có trình độ Đại học chuyên ngành, 2 người có trình độ Trung cấp, trong đó có 1 được đào tạo Trung cấp chính quy chuyên ngành phát thanh và truyền hình. Nên chất lượng các chương trình phát thanh của đơn vị ngày càng được nâng cao. Không những vậy, còn làm tốt nhiệm vụ cộng tác với các cơ quan báo chí trong tỉnh trong việc tuyên truyền các hoạt động của địa phương rộng rãi để người dân địa phương và ngoài địa phương nắm bắt. Cùng với đó đội ngũ cán bộ Đài truyền thanh cơ sở đến nay cũng được đào tạo chuyên sâu và hoạt động chính quy, chuyên nghiệp; với hầu hết các cán bộ Đài truyền thanh xã – thị trấn có trình độ Đại học; có kĩ năng, nghiệp vụ vừa làm tốt nhiệm vụ tiếp âm, vừa làm tốt nhiệm vụ cộng tác tin bài với Đài truyền thanh huyện để đưa thông tin hoạt động của địa phương đến với người dân trong toàn huyện.

Đặc biệt, thực hiện đề án “Hệ thống hóa truyền thanh không dây” xã – thị trấn của UBND tỉnh Bình Dương; bắt đầu từ năm 2013, Phú Giáo là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bình Dương thực hiện triển khai đề án này một cách hiệu quả. Ngoài 3 xã An Bình, An Linh và Vĩnh Hòa đã được đầu tư hệ thống Đài truyền thanh không dây thuộc đề án của Đài tiếng nói Việt Nam triển khai thực hiện từ trước. Xã Tân Long là đơn vị đầu tiên của huyện Phú Giáo được đầu tư hệ thống truyền thanh không dây và đến cuối năm 2015, huyện Phú Giáo đã hoàn thành việc triển khai đề án này và là huyện đầu tiên của tỉnh Bình Dương hoàn thành truyền thanh hóa đúng tiến độ, kịp thời gian theo kế hoạch. Với việc thực hiện đề án “Hệ thống hóa truyền thanh không dây” xã – thị trấn, đã góp phần nâng cao tỷ lệ phủ sóng truyền thanh đến người dân trên địa bàn huyện. Đến nay 100% xã – thị trấn trong huyện được phủ sóng truyền thanh, với tỷ lệ phủ sóng 100% xã – thị trấn và người dân được tiếp cận thông tin đạt trên 98%. Hiện 100% xã được đầu tư máy phát sóng truyền thanh, với 1 cụm loa chính tại trụ sở đặt trạm phát sóng có công suất 200W và các cụm loa truyền thanh tại khu vực dân cư, mỗi cụm có công suất 100W; với tổng số cụm loa kèn toàn huyện là 14 cụm/11 xã – thị trấn, cùng 379 cụm loa nén, công suất 100W được đặt tại các khu dân cư. Hệ thống Đài truyền thanh xã – thị trấn vừa có chức năng tiếp âm, vừa có chức năng phát sóng chương trình phát thanh của địa phương. Hiện 100% Đài truyền thanh xã – thị trấn đều xây dựng được chương trình phát thanh riêng của mình, với mỗi tuần hoặc mỗi tháng có một chương trình phát thanh.

Ảnh: Sau 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay công tác truyền thanh của Phú Giáo đã có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng đưa thông tin về cơ sở. Trong ảnh: Hệ thống truyền thanh không dây được đầu tư hiện đại nâng tỷ lệ phủ sóng thông đến người dân

Ông Lý Thành Công, Trưởng Đài truyền thanh huyện Phú Giáo chia sẻ: Suốt 20 năm gắn bó với đơn vị, tận mắt chứng kiến những sự đổi thay vượt bậc trong công tác tổ chức truyền thanh, bản thân ông có rất nhiều điều ấn tượng đối với những đổi thay đó. Nhưng điều làm ông cảm thấy vui nhất, hạnh phúc nhất đó chính là việc Đảng, nhà nước quan tâm đến sự phát triển của mạng lưới truyền thanh cơ sở, bởi đây mới chính là cầu nối cuối cùng đưa các chương trình phát thanh của Đài huyện đến với người dân và qua đó đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với nhân dân, cũng như đưa tiếng nói của dân đến với Đảng. Đặc thù của hệ thống truyền thanh đó chính là phương tiện đưa thông tin đến với người dân. Do đó, dù cho Đài truyền thanh huyện có hiện đại như thế nào, chuyên nghiệp ra sao mà hệ thống truyền thanh cơ sở lạc hậu, không được quan tâm đầu tư thì mọi nỗ lực cũng đều không đem lại kết quả tốt. Chính vì vậy, với chủ trương đầu tư hiện đại hóa truyền thanh không dây của các xã – thị trấn trong huyện thật sự là bước đột phá, bước ngoặt lớn trong hoạt động tuyên truyền của Đài huyện trong thời gian qua. Nó góp phần nâng tỷ lệ bao phủ sóng phát thanh, cũng như tỷ lệ người dân được thưởng thức các chương trình phát thanh của Đài trong thời gian qua; tạo được niềm tin yêu, thu hút thính giả, người dân trong vào những thông tin được Đài truyền tải trong bối cảnh các kênh tiếp cận thông tin của người dân ngày càng phong phú, đa dạng, hiện đại như hiện nay.

Ông Nguyễn Xuân Diệu, người dân xã An Thái, huyện Phú Giáo cho biết: Với bản thân tôi nhìn nhận một cách khách quan, thì hệ thống Đài truyền thanh vẫn có những đóng góp vô cùng quan trọng và là một trong những kênh thông tin hữu ích với chúng chúng. Nhất là những thông tin tuyên truyền và các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, những gương người tốt, việc tốt, nhưng mô hình hay, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực càng làm phong phú thêm món ăn tinh thần của người dân chúng tôi. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, lên báo, lên internet là nghe chém, giết nhau, hiếp dâm, ấu dâm, dâm ô và những vụ việc tai tiếng của giới nghệ sĩ… nhức hết cả đầu, thì những thông tin về các chính sách vay vốn, định hướng phát triển của địa phương, những điển hình nông dân giỏi, những mô hình kinh tế mới… giúp nông dân chúng tôi thoát khỏi sự ê ẩm đầu óc, để có thể nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, cho địa phương. Điều tôi mong nhất hiện nay đó là Đài truyền thanh huyện nên tiếp tục duy trì và xây dựng các chương trình phát thanh bổ ích. Kịp thời đưa nhiều hơn nữa các thông tin của địa phương, trong nhân dân. Dù cho xã hội có phát triển như thế nào, hay có người cho rằng Đài truyền thanh không còn quan trọng trong điều kiện hiện nay. Nhưng với người nông dân chúng tôi, Đài truyền thanh vẫn mãi là một kênh thông tin bổ ích, không bao giờ mất đi giá trị và vị trí trong xã hội.

Hành trình 20 năm phát triển, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, cùng sự nỗ lực hoàn thiện, khẳng định mình của đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên từ huyện đến xã – thị trấn, công tác truyền thanh huyện Phú Giáo không ngừng phát triển về mọi mặt để đưa thông tin về cơ sở, tiếng nói của Đảng, chính quyền đến với nhân dân và là cầu nối của dân đến với Đảng, nhà nước; làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, tiếng nói của chính quyền và nhân dân huyện nhà. Tạo được niềm tin yêu của nhân dân. Không chỉ đưa các hoạt động của địa phương đến với người dân trong huyện mà còn tuyên truyền rộng, phổ biến rộng rãi đến người dân trong và ngoài tỉnh thông qua việc cộng tác với các cơ quan truyền thông khác hiệu quả, trách nhiệm.

HẢI SÂM

Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn Đặc công D60 và các đơn vị lực lượng vũ trang khác hân hoan đi bầu cử
Liên kết website
Các Sở, Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 14402
Tuần này: 30044
Tháng này: 673570
Tổng truy cập: 7549404